Loigiaihay.com 2024

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Hịch tướng sĩ SBT Ngữ Văn 8 tập 2

Bình chọn:
3.7 trên 15 phiếu

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 49 SBT Ngữ Văn 8 tập 2. Nêu những đặc điểm cơ bản của thể hịch. Lấy dẫn chứng từ Hịch tướng sĩ để làm sáng tỏ những đặc điểm cơ bản đó.

1. Nêu những đặc điểm cơ bản của thể hịch. Lấy dẫn chứng từ Hịch tướng sĩ để làm sáng tỏ những đặc điểm cơ bản đó. 

Trả lời:

HS đọc phần Chú thích (*) về thể hịch trong SGK để ôn lại những đặc điểm cơ bản của thể hịch về chức năng, kết cấu, lời văn, lập luận sau đó lấy dẫn chứng từ Hịch tướng sĩ để làm sáng tỏ. Có thể lập bảng khi làm bài tập này.

Đặc điểm của thể hịch

Dẫn chứng từ Hịch tướng sĩ

- Chức năng chủ yếu của hịch là cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đâu tranh chống kẻ thù.

- Khích lệ lòng yêu nước, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

- Về kết cấu, thông thường bài hịch gồm bốn phần chính. Tất cả các phần đều hướng tới tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.

- Kết cấu bốn phần, các phần đều hướng tới tư tưởng chủ đạo : nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng.

- Hịch thời xưa thường được viết theo lối văn biền ngẫu. Cũng có khi hịch được viết bằng văn xuôi, có khi sử dụng phối hợp các thể văn khác nhau. Dù sử dụng thể văn nào thì lời hịch cũng trang trọng, hùng hồn.

- Hịch tướng sĩ có sự đan xen tản văn (văn xuôi) với biền văn : “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa ; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”,..

- Lập luận đanh thép, hùng hồn, thường kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng, sử dụng linh hoạt cách lập luận tương đồng và lập luận tương phản, khẳng định hoặc phủ định.

- Kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng (đoạn tố cáo tội ác kẻ thù), những hình tượng ữong sự đối lập, tương phản (đoạn phê phán thái độ bàng quan, hưởng lạc của tướng sĩ,...)


2. Xác định tư tưởng chủ đạo của bài Hịch tướng sĩ, phân tích sự liên kết giữa các phần của bài hịch có tác dụng làm nổi bật tư tưởng chủ đạo.

Trả lời:

Trước hết, cần phải thấy được hoàn cảnh ra đời của Hịch tướng sĩ mới xác định được tư tưởng chủ đạo của bài hịch.

Về hoàn cảnh ra đời: Hịch tướng sĩ được viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai (1285). Theo Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (xuất bản năm 1987) thì bài hịch được công bố vào tháng 9 năm 1284 tại cuộc duyệt binh ở Đông Thăng Long. Quân xâm lược kéo đến biên thuỳ, vận mệnh dân tộc nghìn cân treo sợi tóc. Tình thế hết sức căng thẳng. Giặc cậy thế mạnh ngang ngược, hống hách. Ta sôi sục căm thù quyết tâm chiến đấu. Nhưng trong hàng ngũ tướng sĩ cũng có người dao động, có tư tưởng cầu hoà.

Để cuộc chiến đâu giành thắng lợi, điều quan trọng là phải đánh bạt những tư tưởng dao động, bàng quan, phải giành thế áp đảo cho tư tưởng quyết chiến quyết thắng.

Ra đời trong hoàn cảnh ấy, tư tưởng chủ đạo của bài Hịch tướng sĩnêu cao tinh thần quyết chiến,, quyết thắng. Đây chính là thước đo cao nhất, tập trung nhất của tinh thần yêu nước.

Mở đầu bài hịch, tác giả nêu những tấm gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách với mục đích khích lệ ở tướng sĩ lòng hi sinh dũng cảm, ý chí lập công danh, tinh thần xả thân vì nước để "cùng trời đất muôn đời bất hủ".

Tiếp đó tác giả quay về với thực tế trước mắt, lột tả tội ác và sự ngang ngược của giặc để gây lòng căm thù, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc.

Tác giả còn nêu lên mối ân tình giữa chủ và tướng để khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mồi người đối với lẽ vua tôi cũng như đối với tình cốt nhục.

Xuất phát từ trái tim nhân hậu, Trần Quốc Tuân đã phê phán những biểu hiện sai, đồng thời chỉ ra cho tướng sĩ những thái độ, hành động đúng nên theo, nên làm. Những hành động này đều xuất phát từ mục đích quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

Để giành thế áp đảo cho tinh thần quyết chiến quyết thắng, phần cuối bài hịch, một lần nữa Trần Quốc Tuấn vạch rõ ranh giới giữa hai con đường chính - tà, cũng có nghĩa là hai con đường sống - chết, để thuyết phục tướng sĩ. Tác giả biểu lộ một thái độ dứt khoát.: hoặc là địch hoặc là ta, không có vị trí chông chênh cho những kẻ bàng quan trước thời cuộc. Đoạn cuối bài hịch có giá trị động viên tới mức cao nhât ý chí và quyết tâm chiến đấu của mọi người.

3. Phân tích lòng yêu nước, căm thù giặc của tác giả được thể hiện trong bài Hịch tướng sĩ.

Trả lời:

Một trong những biểu hiện của tinh thần yêu nước trong Hịch tướng sĩ là lòng căm thù giặc sâu sắc. Tác giả đã lột tả tội ác và sự ngang ngược của giặc để gây lòng căm thù, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc ở các tướng sĩ. Những hình tượng ẩn dụ "lưỡi cú diều", "thân dê chó" để chỉ sứ Nguyên cho thấy nỗi căm giận và lòng khinh bỉ giặc của Hưng Đạo Vương. Đồng thời, đặt những hình tượng đó trong thế tương quan "lưỡi cú diều" - "sỉ mắng triều đình", "thân dê chó" - "bắt nạt tể phụ", Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra nỗi nhục lớn của mọi người khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm.

Nêu cao lòng căm thù giặc, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, mục đích là khích lệ tính thần yêu nước bất khuất. Không phải ngẫu nhiên mà bao nhiêu tâm huyết, bút lực của Trần Quốc Tuân lại dồn vào đoạn : "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa ; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng". Hãy so sánh đoạn hịch trên với đoạn thư của Giáo hoàng La Mã Gơ-rê-goa IX - đoạn thư có ý nghĩa như lời hịch hiệu triệu tổ chức Thập tự quân chống giặc Mông - Nguyên : "Nhiều việc khiến ta lo lắng [...]. Nhưng ta nguyện quên hết những lo âu đó mà chú tâm đến cái tai hoạ Tác-ta, sợ rằng hiện nay uy danh của đạo Cơ đốc sẽ bị bọn Tác-ta tiêu diệt mất. Nghĩ đến đó là ta xương nát tuỷ khô, thân gầy sức kiệt, đau xót vô cùng, khiến ta không biết làm gì đây". Những hình tượng "tới bữa quên ăn", "nửa đêm vỗ gối", "ruột đau như cắt", "nước mắt đầm đìa" trong bài hịch cũng như những hình tượng "xương nát tuỷ khô", "thân gầy sức kiệt" trong đoạn thư đều có giá trị khắc hoạ lòng căm thù cao độ, quyết không đội trời chung cùng lũ giặc. Thế nhưng với Giáo hoàng Gơ-rê-goa IX, "nỗi đau xót vô cùng" càng "khiến ta không biết làm gì đây", còn với Trần Quốc Tuấn thì "chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dầu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng". Cùng căm giận trào sôi mà một bên thì xót xa, bất lực còn một bên thì mài sắc thêm ý chí quyết tâm giết giặc. Chính vì vậy lời văn trong bức thư thống thiết mà bi thương còn lời văn trong bài hịch thì kiên cường và bi tráng. Căm thù phải diệt giặc, yêu nước phải chiến đấu, đó mới là mục đích cao cả mà tác giả bài hịch hướng tới.

4. Câu 4, trang 61, SGK.

Trả lời:

Tác giả vừa chân tình chỉ bảo vừa phê phán nghiêm khắc hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh của đất nước. Thái độ bàng quan là vong ân bội nghĩa trước mối ân tình của chủ tướng, là sự vô trách nhiệm đến táng tận lương tâm khi vận mệnh đất nước đang nghìn cân treo sợi tóc. Những việc làm sai tưởng như nhỏ nhặt mà hậu quả thì tai hại khôn lường : nước mất, nhà tan “đau xót biết chừng nào”.

Cùng với việc phê phán thái độ, hành động sai, Trần Quốc Tuấn còn chỉ ra những việc đúng nên lầm. Đó là nêu cao tinh thần cảnh giác “nên nhớ câu “đặt mồi lửa vào dưới đống củi” là nguy cơ, nên lấy điều “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” làm răn sợ”. Tướng sĩ phải chăm lo ập dượt cung tên ; khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ”.

5. Nêu những thành công nghệ thuật chủ yếu của Hịch tướng sĩ.

Trả lời:

Hịch tướng sĩ thể hiện một tài nghệ viết văn chính luận bậc thầy, nổi bật là những thành công nghệ thuật chủ yếu :

- Trong cách lập luận của tác giả, có sự kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Để tăng sức thuyết phục, người viết thường lấy dẫn chứng từ thực tế. Tố cáo tội ác quân Nguyên - Mông để khích lệ lòng căm thù giặc cũng như nỗi nhục mất nước ở tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã lột tả hành động ngang ngược của kẻ thù bằng những hành động thực tế: đòi ngọc lụa, hạch sách bạc vàng, vét kiệt của kho có hạn, đi lại nghênh ngang ngoài đường, sỉ mắng triều đình,...

- Để thuyết phục mọi người thấy rõ đúng sai bằng lí lẽ, nhận thức, Trần Quốc Tuấn nêu lên mối quan hệ tất yếu giữa nguyên nhân và kết quả. Tác giả sử dụng tài tình các quan hệ từ. Đầu câu nguyên nhân là các quan hệ từ nêu giả thiết "nếu", "hoặc", trong câu chỉ kết quả là các từ ngữ khẳng địhh "thì", "chẳng những", "mà". Sự hô ứng giữa các từ chỉ quan hệ có tác dụng làm nổi bật nguyên nhân của việc lầm sai trái nhât định sẽ dẫn đến hậu quả tai hại.

- Cũng để thuyết phục mọi người nhận rõ phải trải, đúng sai, tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh đôi lập. Đối lập ý trong câu "Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức ; nghe nhạc thái thường để đãi yến nguỵ sứ mà không biết căm". Những hình tượng cũng được đặt trong thế tương phản : cựa gà trông áo giáp; mẹo cờ bạc mưu lược nhà binh.

- Phương pháp tương phản được sử dụng với phương pháp so sánh. So sánh giữa ta và địch, ta thì nghĩa tình sâu nặng, địch thì ngang ngược, tàn bạo. So sánh giữa hai viễn cảnh, đầu hàng thất bại thì mất tất cả, chiến đấu thắng lợi thì được cả chung và riêng. Từ lời văn dịch khá sát có thể thấy khi nêu viễn cảnh đầu hàng thất bại, Trần Quốc Tuân sử dụng những từ ngữ mang tính chất phủ định : "không còn", "cũng mất", "bị tan", "cũng khốn". Khi nêu viễn cảnh chiến đâu thắng lợi, tác giả dùng những từ ngữ mang tính chất khẳng định : "mãi mãi vừng bền", "đời đời hưởng thụ", "không bị mai một", "sử sách lưu thơm".

- Điều đáng lưu ý là trong khi sử dụng phương pháp so sánh tương phản, người viết rất hiểu quy luật nhận thức. Các điệp từ, điệp ý tăng tiến có tác dụng nêu bật vấn đề từ nhạt đến đậm, từ nông đến sâu. Cứ từng bước, từng bước, tác giả đưa người đọc thấy rõ đúng sai, nhận ra đường phải trái.

Hịch tướng sĩ có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương. Nội dung tư tưởng được diễn đạt bằng những hình tượng thật gợi cảm, dễ hiểu. Những hình tượng ẩn dụ "lưỡi cú diều", "thân dê chó" để chỉ sứ Nguyên đã nói lên lòng căm thù và sự khinh bỉ giặc của tác giả. Những hình tượng "người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ", "bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở cảo Nhai" đã truyền tới tướng sĩ tinh thần hào hứng giết giặc. Chính nhờ sự kết hợp sâu sắc, hài hoà giữa lí luận sắc bén và nhiệt tâm yêu ghét thiết tha, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng mà bài hịch đã tác động mạnh mẽ cả lí trí và tình cảm người đọc, đưa họ từ nhận thức đến hành động một cách tự nhiên, hợp lí.

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Xem lời giải SGK - Soạn văn 8 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3 bước: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Bài viết liên quan