Loigiaihay.com 2024

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh SBT Ngữ văn 10 tập 2

Bình chọn:
2.7 trên 6 phiếu

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 19 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Trong những câu văn thuyết minh nêu dưới đây, câu nào chuẩn xác, câu nào chưa chuẩn xác ? Vì sao ?

1. Bài tập, trang 27, SGK.

    Đọc đoạn trích sau và phân tích tính hấp dẫn của nó.

    [...] Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện, như nghiện nước trà tươi...

    Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến ruxta như mây khói chùa Hươngđẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong, rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở : thật là cả một bài trí nên thơ.

    Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó nhành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu cod, vè cũng có,... Người bán hàng đứng thái bánh, tahis thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.

    Trông mà thèm quá ! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp, ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được. [...]

(Theo Vũ Bằng, Miếng ngon Hà Nội)

(Khi phân tích, nên lưu ý một số điểm:

- Sự linh hoạt trong việc sử dụng các kiểu câu.

- Việc dùng từ ngữ giàu tính hình tượng.

- Sự kết hợp nhiều giác quan và liên tưởng khi quan sát

- Cách bộc lộ cảm xúc khi nói về đối tượng.)

Trả lời:

Đoạn văn thuyết minh của Vũ Bằng sinh động, hấp dẫn vì:

a) Đề tài hấp dẫn : Đoạn văn nói về một món ăn có sức gợi cảm đối với hầu hết người dân Việt, và không chỉ người dân Việt.

b) Cách thuyết minh sinh động, hấp dẫn :

- Nhà văn đã không đưa ra những nhận xét, những con số khô khan, mà giúp người đọc tiếp xúc với món ăn yêu thích trên nhiều góc nhìn : xa có, gần có, nhập vào vai của người ăn có, mà nhập vào vai của người đứng ngoài nhìn cũng có ; khi thì được thưởng thức các sắc màu, khi thì bị quyến rũ qua hương vị, khi khác lại cảm nhận sự ấm áp của món ăn toả ra trong cái rét mướt của mùa đông; lúc thì gọi được sự tò mò (Qua lần cửa kính ta đã thấy gì ?), lúc thì bị thôi thúc bởi một cảm xúc được bộc lộ ra trực tiếp (Trông mà thèm quá!).

- Nhà văn còn làm cho món ăn ấy đẹp hơn, có hồn hơn, để thu hút sự chú ý của người đọc nhiều hơn bằng cách khơi gợi ra những liên tưởng bất ngờ mà hợp lí đến các vẻ đẹp hấp dẫn khác (mây khói chùa Hương, bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu,...).

- Để lột tả hết vẻ sinh động, hấp dẫn trên, tác giả đã sử dụng một vốn liếng ngôn ngữ thật phong phú, linh hoạt: từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gọi liên tưởng ; câu văn luôn thay đổi nhịp điệu, xen lẫn câu ngắn với câu dài, câu đơn với câu ghép, câu tường thuật với câu nghi vấn và câu cảm thán,...

2. Trong những câu văn thuyết minh nêu dưới đây, câu nào chuẩn xác, câu nào chưa chuẩn xác ? Vì sao ?

a.1) Hoa tầm xuân thường có màu hồng đào hoặc trắng nhạt.

a.2) Tầm xuân nổi bật lên giữa muôn hoa vì sắc màu rất lạ: Những nụ tầm xuân luôn có màu xanh, đúng như trong câu hát:

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc.

b.1) Gọi Đại cáo bình Ngô là áng "thiên cổ hùng văn" vì đó là bài văn hùng tráng đã được viết ra từ nghìn năm trước.

b.2) Đại cáo bình Ngô được người đời sau tôn vinh là một áng "thiên cổ hùng văn", vì tác phẩm đó xứng đáng được coi là bài văn hùng tráng của nghìn đời.

Trả lời:

Các câu (a.2) và (b.1) không chuẩn xác, vì:

- Trong thực tế đời sống, rất hiếm có nụ tầm xuân màu xanh.

- Đại cáo bình Ngô được viết năm 1428, không phải từ nghìn năm trước.

3. Đọc đoạn văn thuyết minh sau và trả lời câu hỏi.

Tục truyền rằng năm 255 trước Công nguyên, An Dương Vuơng xây một toà thành hình xoáy trôn ốc nên gọi là Loa Thành. Hiện ở Cổ Loa còn đền thờ An Dương Vương Thục Phán, trong đền có tượng An Dương Vương nặng 155 kg. Dự án tôn tạo khu di tích đã hoàn thành. Rồi đây, Cổ Loa sẽ được dựng lại trên một diện tích rộng 484 héc-ta với 32 hạng mục công trình lớn nhỏ như : sa bàn di tích tổng thể của thành tỉ lệ 1/500; công viên ở Vườn Thuyền - Ao Mắm, trong đó có mô hình thành Cổ Loa thu nhỏ (diện tích 1600 m2).Thành xưa có 9 vòng, nay còn lưu lại vết tích của 3 vòng trên một diện tích 567 héc-ta: Vòng ngoài có chu vi gần 9 km, còn chu vi của vòng trong cùng khoảng 1,650 km. Trong tương lai, tượng đài của An Dương Vương và Ngô Quyền, hai ông vua đóng đô trên đất Cổ Loa, sẽ được dựng lên. Còn bây giờ, ở am Bà Chúa, nơi thờ công chúa Mị Châu (xây dựng năm 1678), đã có pho tượng một người con gái không đầu trùm vải đỏ - tượng nàng Mị Châu lầm lỡ - để nhắc nhở với đời sau biết bao điều đau xót, sâu xa. Cổ Loa trong tương lai sẽ còn nhiều đổi khác.

Năm 2010, nhân dân ta tổ chức kỉ niệm trọng thể 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bởi vì, tính từ năm vua Lí Thái Tô dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La cũ đến năm 2010, thời gian đã vừa tròn một thiên niên kỉ. Vào dịp ấy, cùng với Đền Hùng ở Phú Thọ, Hoa Lư ở Ninh Bình, Cổ Loa trở thành một nơi để khách tham quan hoài niệm về nguồn cội, về tổ tiên của dân tộc Việt Nam mình.

Câu hỏi:

a) Đoạn trích trên có mạch lạc không ? Sự mạch lạc (hoặc còn chưa mạch lạc) đó có ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của đoạn trích hay không ?

b) Theo anh (chị), nên sửa lại như thế nào để đoạn trích được mạch lạc và có sức hấp dẫn hơn ?

Trả lời:

a) Để đánh giá đoạn trích có mạch lạc không, anh (chị) cần xem xét:

- Đoạn văn đó có tập trung thuyết minh cho một hiện tượng duy nhất nào không ? Do vậy, có thể nói rằng, có một chủ đề, một mạch văn thống nhất xuyên suốt các phần, đoạn khác nhau của văn bản hay không ?

- Các ý trong đoạn trích đã được sắp xếp hợp lí chưa ? Cách sắp xếp đó làm cho ý chủ đạo có thể chảy trôi liên tục, hay còn bị đứt đoạn, không thông ?

b) Để tăng tính mạch lạc và hấp dẫn, có thể sửa lại đoạn trích đó như sau :

CỔ LOA XƯA, HÔM NAY VÀ NGÀY MAI

Tục truyền rằng, năm 255 trước Công nguyên, An Dương Vương xây một toà thành hình xoáy trôn ốc nên gọi là Loa Thành. Thành xưa có 9 vòng, nay còn lưu lại vết tích của 3 vòng trên một diện tích 567 héc-ta : Vòng ngoài có chu vi gần 9 km, còn chu vi của vòng trong cùng khoảng 1,650 km. Hiện ở Cổ Loa còn đền thờ An Dương Vương Thục Phán, trong đền có tượng An Dương Vương nặng 155 kg. Cổ Loa còn nổi tiếng với am Bà Chúa thờ công chúa Mị Châu (xây dựng năm 1678) ; ở đó, pho tượng một người con gái không đầu trùm vải đỏ - tượng nàng Mị Châu lầm lỡ - sẽ còn nhắc nhở người đời sau biết bao điều đau xót, sâu xa...

Cổ Loa trong tương lai sẽ còn nhiều đổi khác. Dự án tôn tạo khu di tích đã hoàn thành. Rồi đây, Cổ Loa sẽ được dựng lại trên một diện tích rộng 484 héc-ta với 32 hạng mục công trình lớn nhỏ như : sa bàn di tích tổng thể của thành tỉ lệ 1/500; tượng đài của An Dương Vương và Ngô Quyền, hai ông vua đóng đô trên đất Cổ Loa ; công viên ở Vườn Thuyền - Ao Mắm, trong đó có mô hình thành Cổ Loa thu nhỏ (diện tích 1600 m2). Đến lúc ấy, cùng với Đền Hùng ở Phú Thọ, thành Cổ Loa sẽ trở thành một nơi để chúng ta hoài niệm về nguồn cội, về tổ tiên của dân tộc Việt Nam mình.

4. Viết một bài văn thuyết minh (đề tài tự chọn), sao cho bài viết đạt được tính chuẩn xác và tính hấp dẫn.

Trả lời:

Có thể tham khảo bài viết (đã lược trích một số đoạn) dưới đây:

Nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thuỵ Sĩ Sác-lơ Ba-li viết : "Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ hôm nay”. Điều này có nghĩa là những cách nói sai hiện nay nếu không phê phán, quyết liệt ngăn cấm kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai!

Ví dụ : cách nói "chiếc đồng hồ mới cứng" hiện nay được coi là đúng. Ấy thế nhưng cách đây 40 năm, nó sai, vì "mới cứng", đúng ra, chỉ dùng cho tiền giấy bạc mới in, còn cứng. Một ví dụ khác : cách nói "Hỗ trợ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn" hiện nay được coi là bình thường. Trước đây, đó là cách nói sai. Vì hỗ là lẫn nhau, là từ hai phía, hỗ trợ là sự giúp đỡ nhau từ hai phía. Lẽ ra phải nói "trợ giúp/giúp đỡ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn".

Ngay từ đầu những cách nói sai mới cứng, hỗ trợ không bị phê phán, uốn nắn nên dần được nhiều người dùng, kết cục thành cách nói được xã hội chấp nhận.

Dùng từ ngữ dư thừa cũng là sai. Có một kiểu dư thừa rất hay gặp trong cấu tạo từ ghép có một yếu tố Hán - Việt và nay đã thành "đúng" -cây đại thụ, đường quốc lộ, người nông dân...

Từ Hán - Việt thụ là cây. Thế nên cách nói "Ông là một cây đại thụ trong giới sử học" là thừa, nhưng cách nói này hiện nay được coi là đúng. Đúng tới mức không thể bỏ từ cây. Còn câu "Ông là một đại thụ trong giới sử học" lại coi là không bình thường (!). Cũng vậy, đường quốc lộ là thừa, vì chữ lộ vốn đã có nghĩa là đường. Nhưng cách nói thừa này đã đi vào cả thơ văn. Trong bài Viếng bạn, Hoàng Lộc viết: "Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ".

Vậy là câu thừa để lâu cũng thành đúng !

Năm 1975, trong mục Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo Nhân Dân, nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Thản đã viết về loại lỗi ngữ pháp "Qua thực tế, cho thấy...". Kiểu lỗi này được nhiều nhà ngôn ngữ học gọi là "sai về trạng ngữ", nhưng không được xã hội và nhất là các cơ quan truyền thông và công quyền lên án mạnh mẽ nên nó tiếp tục được "duy trì" và nay thành căn bệnh khó chữa. Trên các trang báo, trong các bài viết, xuất hiện không hiếm những câu như "Theo khảo sát mới đây của các nhà nghiên cứu, cho thấy nạn tự tử ở Nhật Bản ngày càng..." (Chào buổi sáng, VTV1, 14-9-2010).

Thành ngữ "Chân đăm đá chân chiêu" nói về dáng đi của người say rượu chân phải đá chân trái. Ngày nay không mấy người biết tiếng Việt cổ : đăm là phải, chiêu là trái như trong tục ngữ "tay chiêu đập niêu không vỡ". Nhưng từ "chiêu" gần âm với từ "xiêu", người ta liên tưởng tới hình ảnh người say thì đi xiêu vẹo, lảo đảo. Thế là thành ngữ trên được nhiều người nói thành "chân nam đá chân xiêu".

Chiều 16-5 - 1999, trên đài truyền hình Trung ương, một nhạc sĩ giới thiệu về chèo giảng giải: nếu hát chèo có dở nhưng có tiếng trống đệm hay có thể cứu vãn được cho ca sĩ, đó là vụng chèo khéo... trống (!). Người Nam Bộ có hát chèo đâu mà thành ngữ này vẫn dùng rất phổ biến ? Thực ra trong "vụng chèo khéo chống", hai từ chèo, chống liên quan đến mái chèo và cây sào, nghĩa đen của thành ngữ này nói về chuyện đi lại trên sông nước, còn nghĩa bóng lại là "làm thì dở, kém nhưng lại khéo biện bạch, chống chế".

Tiếng Việt có cách nói đơn giản "xe cộ đi lại trên đường". Nhưng trong báo chí, cách nói này bị thay bằng một cụm từ Hán - Việt dài gấp đôi: "xe cộ tham gia giao thông", "những phương tiện tham gia giao thông trên đường". Trong hầu hết các trường hợp, có thể thay "tham gia giao thông" bằng "đi lại". Cơ quan truyền thông đừng làm tiếng Việt dở đi !

Khi một lỗi sai, một lỗi dư thừa nào đó trở nên phổ biến thì chúng ta hãy dè chừng : chúng dễ trở thành những từ đúng trong tương lai. Một kiểu nói sai, nếu để lâu từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà càng về sau thì những người rõ cội nguồn (etymology) của nó càng ít đi, nên họ dễ lầm tưởng là đúng.

Một khi những cách dùng sai đã trở thành đúng thì các nhà ngôn ngữ học không thể áp đặt kiểu "nói đúng phải là... ", bởi lúc đó người ta không theo nữa. Dạy con từ thuở còn thơ; Lỗi sai cũng phải được nghiêm khắc phê phán ngay từ lúc chúng mới bơ vơ vào tiếng Việt !

(Lược trích từ: Nguyên Đức Dân, Để lâu câu sai hoá câu đúng,

báo Sài Gòn Tiếp thị, 18-10-2010)

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Xem lời giải SGK - Soạn văn 10 - Xem ngay

>> Học trực tuyến Lớp 10 tại Tuyensinh247.com, Cam kết giúp học sinh học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Bài viết liên quan