Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Bếp lửa SBT Ngữ Văn 9 tập 1

Bình chọn:
4 trên 3 phiếu

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 92 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Trong hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu, hình ảnh người bà hiện ra với những đức tính và phẩm chất gì ?

1. Hình ảnh bếp lửa xuất hiện bao nhiêu lần trong bài thơ Bếp lửa ? Vì sao khi nhắc đến bếp lửa là người cháu lại nhớ về bà, và khi nghĩ về bà là nhớ ngay đến hình ảnh bếp lửa ?

Trả lời:

   Trong bài thơ có hai hình ảnh nổi bật, gắn bó mật thiết với nhau và trở đi trở lại nhiều lần, đó là người bà và bếp lửa. Vì sao trong hồi tưởng và suy nghĩ của người cháu, hai hình ảnh ấy lại luôn gắn bó ?

   - Vì bà luôn là người nhóm lên bếp lửa mỗi sáng, mỗi chiều và suốt cả cuộc đời bà, trong mọi cảnh ngộ, từ những ngày gian khó trong chiến tranh đến lúc được yên vui.

   - Bếp lửa là biểu hiện cụ thể và đầy gợi cảm về sự tảo tần, chăm sóc và tình yêu thương của bà dành cho cháu và những người thân. Bếp lửa là tình bà ấm nồng, bếp lửa là tay bà chăm chút. Bếp lửa gắn với những gian khó đời bà. Ngày ngày bà nhóm lên bếp lửa cũng là nhóm lên niềm vui, sự sống, niềm yêu thương chi chút dành cho con cháu và mọi người.

    (Em tự tìm trong bài thơ số lần xuất hiện hình ảnh bếp lửa.)

2. Bình giảng ba câu thơ mở đầu bài Bếp lửa :

               Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

         Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

                  Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Trả lời:

   Chú ý những từ láy rất gợi hình và gợi cảm : chờn vờn, ấp iu. "Bếp lửa chờn vờn sương sớm" vừa gợi tả chính xác hình ảnh bếp lửa rất quen thuộc trong mỗi gia đình vào buổi sớm mai, lại vừa gợi lên hình ảnh bếp lửa chập chờn trong kí ức, để từ đó gợi về bao nhiêu kỉ niệm gắn với hình ảnh ấy. "Ấp iu" gợi đến bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa, lại rất chính xác với công việc nhóm bếp cụ thể.

3. Câu 4, trang 146, SGK.

           Rồi sớm chiều lại bếp lửa bà nhen

         Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

                Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...

   Vì sao ở hai câu dưới tác giả dùng từ "ngọn lửa" mà không nhắc lại "bếp lửa" ? "Ngọn lửa ở đây có ý nghĩa gì ? em hiểu những câu thơ trên như thế nào ?

Trả lời:

   Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể ở câu trên, tác giả chuyển thành hình ảnh ngọn lửa trong lòng bà. Như thế, bếp lửa không chỉ được nhen lên bằng nhiên liệu mà còn được nhen lên từ ngọn lửa của sức sống, lòng yêu thương, niềm tin của bà. Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, bài thơ đã gợi đến ngọn lửa với ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa - ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.

4. Trong hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu, hình ảnh người bà hiện ra với những đức tính và phẩm chất gì ?

Trả lời:

   Hình ảnh người bà trong bài thơ hiện ra với những phẩm chất và đức tính nổi bật : tần tảo, nhẫn nại, giàu niềm tin, hết lòng yêu thương, chăm lo chi chút cho cháu và gia đình (Em tìm và phân tích những chi tiết tiêu biểu trong bài thơ thể hiện những phẩm chất và đức tính ấy).

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Xem lời giải SGK - Soạn văn 9 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Bài viết liên quan