1. Bài tập 1, trang 191, SGK
Có người cho rằng giá trị cao cao quý nhất của văn chương là nuôi dưỡng đời sống tâm hồn con người, hay nói như Thạch Lam là "làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn:. Nói như vậy có đúng không? Vì sao?
Trả lời:
Nói giá trị cao quý nhất của văn chương là nuôi dưỡng đời sống tâm hồn con người, hay nói như Thạch Lam, "làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn" là hoàn toàn đúng, vì nhà văn là “người kĩ sư tâm hồn" và cái đích hướng tới của văn chương là con người, là tâm hồn con người. Với giá trị nhận thức và giá trị thấm mĩ, văn chương làm cho tâm hồn con người thêm phong phú. Qua các tác phẩm văn chương, người đọc có thêm những hiểu biết mới mẻ và sâu rộng về cuộc sống trong những thời gian và không gian khác nhau, đồng thời hiểu được bản chất của con người nói chung, hiểu chính bản thân mình hơn với tư cách một con người cá nhân nói riêng. Các tác phẩm văn chương còn mang tới cho người đọc những vẻ đẹp rất đa dạng, muôn hình muôn vẻ của cuộc đời và con người. Với giá trị giáo dục, văn chương làm cho tâm hồn con người thêm trong sạch, nó nâng cao tư tưởng, tình cảm của con người theo chiều hướng tích cực, tiến bộ, tốt đẹp, đồng thời nó gạt bỏ khỏi con người tất cả những gì đê tiện, độc ác, xấu xa, làm cho con người ngày càng hoàn thiện về mặt đạo đức. Người ta nói văn chương có khả năng “thanh lọc tâm hồn con người”, “nhân đạo hoá con người” vì lẽ đó.
2. Bài tập 2, trang 191, SGK
Tự chọn phân tích một tác phẩm văn học cụ thể để làm sáng tỏ các giá trị của văn học (hoặc các cấp độ tiếp nhận văn học)
Trả lời:
Biểu hiện giá trị của văn học trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam :
- Về giá trị thẩm mĩ, truyện ngắn Hai đứa trẻ đã mang tới cho người đọc những vẻ đẹp thân thuộc, gần gũi của quê hương Việt Nam, của thiên nhiên Việt Nam. Đó là một không gian có sự vận động theo bước đi của thời gian và được gọi tả bởi những cái có ở mọi miền quê : mở đầu là “một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”, rồi màn đêm dần dần buông xuống “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát [...]. Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh”, cuối cùng đất trời đã về khuya “đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”... Qua đó người đọc còn cảm nhận được vẻ đẹp của một tâm hồn tinh tế, gắn bó thật sâu nặng, thắm thiết với quê hương đất nước mình.
- Về giá trị nhận thức, truyện giúp người đọc hiểu rõ thực trạng đen tối, bế tắc của xã hội Việt Nam đương thời. Trong cảnh ngày tàn và chợ tàn, Thạch Lam khắc hoạ đậm nét kiếp sống tàn tạ, quẩn quanh của những người dân phố huyện. Cứ đến chiều tối, mấy đứa trẻ lại kéo ra bới nhặt trên bãi chợ, mẹ con chị Tí lại dọn hàng nước, bà cụ Thi lại đến mua rượu, bác Siêu lại gánh phở ra, bác xẩm lại rải manh chiếu và bày cái thau sắt, chị em Liên lại kiểm hàng và tính tiền,... Họ tụ họp với nhau thành một xã hội nhỏ bé. Cái xã hội nhỏ bé đó tượng trưng cho cả xã hội rộng lớn lúc bấy giờ với biết bao con người phải chịu đựng một cuộc sống không chỉ nghèo khổ mà còn uể oải, mòn mỏi, nhàm chán. Ở đây, Thạch Lam rất chú ý miêu tả sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Mới đầu là ánh hoàng hôn đỏ rực, rồi ánh sao trên bầu trời, ánh đom đóm lập loè, ánh sáng của những ngọn đèn người ta thắp lên,... cuối cùng những nguồn sáng ấy tắt dần, chỉ còn chiếc đèn con của chị Tí “chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Bóng tối đang nuốt dần ánh sáng hay chính là cuộc sống con người đang chìm vào tăm tối, đói nghèo ?
- Về giá trị giáo dục, tác phẩm là bài học sâu sắc về ý chí vươn lên, là bức thông điệp của niềm hi vọng. Chính ở nơi góc chợ tồi tàn, tăm tối ấy, những người dân quê vẫn chờ đợi một sự thay đổi nào đó, tâm trí họ vẫn ánh lên đốm lửa của tương lai : “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Đặc biệt xúc động là tâm trạng đợi tàu của Liên và An. Chúng khắc khoải chờ đợi cả một ngày trời để được say mê nhìn đoàn tàu vụt qua trong chốc lát. Đoàn tàu gợi tới một thế giới giàu sang, nhộn nhịp và đầy ánh sáng, vì thế khi nó đi qua thì đối với Liên và An “con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”. Đấy là nhu cầu bức thiết về tinh thần của hai đứa trẻ muốn trong chốc lát được thoát khỏi cuộc sống buồn chán hiện tại, đấy cũng là niềm khao khát được sống, dù chỉ trong khoảnh khắc, với một thế giới sung sướng hơn và ngập tràn ánh sáng. Đặt trong hoàn cảnh đương thời, tâm trạng đợi tàu của Liên và An đã chứa đựng nỗi khát khao không phải của riêng hai đứa trẻ mà là của cả dân tộc, đó là khát vọng đổi đời.
3. Bài tập 3, trang 191, SGK
Thế nào là cảm và hiểu trong tiếp nhận văn học?
Trả lời:
Cảm và hiểu là hai phương diện trong tiếp nhận văn học. Cảm ở đây là rung cảm, là sự tiếp xúc bằng trực giác. Nếu chỉ đọc tác phấm một cách vội vã, hời hợt, thờ ơ, không nhập vào với quá trình suy nghĩ, sáng tạo của tác giả thì khó mà thấy được giá trị của tác phẩm, thấy được cái hay, cái đẹp của nó. Do đó, sự say mê đối với văn học, việc trực tiếp đọc tác phẩm với những ấn tượng, cảm giác, cảm xúc sâu sắc sẽ giúp mỗi người có được sự cảm thụ văn học tinh tế. Mặt khác, đế cảm cho được cái hay, cái đẹp, những giá trị của văn chương lại cần phải hiểu nó, nghĩa là cần phải có những tri thức về văn chương. Những tri thức này tự chúng không thay thế được sự cảm nhận trực tiếp tác phẩm, nhưng chúng tạo điều kiện để người đọc có thể cảm được, có thể tiếp thu tác phẩm một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Học lí luận vãn học là một cách để có những tri thức, những hiểu biết về văn chương. Kết hợp được cả cảm và hiểu sẽ làm cho tiếp nhận văn học có hiệu quả cao nhất.
Sachbaitap.com
>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục