1. Giải pháp ba hồi trống là một giải pháp đặc sắc mang đậm dấu ấn tính cách Trương Phi. Anh (chị) hãy làm rõ nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật này của tác giả La Quán Trung và chỉ ra ý nghĩa của ba hồi trống.
Trả lời:
Đoạn trích Hồi trống Cổ Thành (tên đoạn trích do người biên soạn SGK đặt) nằm giữa hồi 28 của pho tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trong tiểu thuyết, hồi này có tên là : Chém Sái Dương, anh em hoà giải / Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên. Tuy là một đoạn trích nhưng tính chất kịch tính rất rõ, nghệ thuật khắc hoạ tính cách rất cao, đặc biệt là việc miêu tả, khắc hoạ tính cách Trương Phi.
Trước hết, trong đoạn trích, tác giả La Quán Trung đã kết hợp được hai nét đối lập trong tính cách của Trương Phi.
a) Một là : thẳng thắn, bộc trực, không dối trá, không úp mở, không mập mờ, tới mức thô bạo, thể hiện qua :
+ Coi trọng lời thề kết nghĩa : Đối với Trương Phi, lời thề kết nghĩa anh em tại vườn đào là cao quý, là tín nghĩa; trung thành với vua Hán là trung nghĩa. Xuất phát từ quan niệm như vậy nên Trương Phi không chấp nhận bất kì một cách hành xử trái ngược nào đối với lời thề và sự trung thành đó. Câu nói nào của Quan Công đã làm cho Trương Phi càng thêm tức giận ?
+ Quan điểm hết sức rõ ràng: "Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ ?". Đây cũng là nguyên tắc ứng xử của Trương Phi, không bao giờ chấp nhận sự phản bội, lại càng không bao giờ tha thứ cho kẻ vong ân bội nghĩa. Quan điểm này có vai trò gì trong việc quy định tính cách Trương Phi ?
+ Thái độ và hành động dứt khoát: Tác giả đã miêu tả thái độ và cách thức hành động của Trương Phi như thế nào ? Chú ý : các cụm từ được dùng để miêu tả nhân vật này (về hình thức biểu hiện, cách thức hành động, cách xưng hô,...).
+ Yêu cầu cao với đối phương : Yêu cầu đối phương (tức Quan Công) phải tự minh oan bằng máu trong điều kiện thời gian hữu hạn (ba hồi trống). Như vậy, có thể nói giải pháp ba hồi trống là giải pháp đặc sắc gắn với tính cách Trương Phi không ? Ý nghĩa của ba hồi trống này là gì ?
b) Hai là, Trương Phi cũng là con người tinh tế:
+ Tại sao Trương Phi không nghe theo lời phân giải của Cam phu nhân, Mi phu nhân ?
+ Tại sao Trương Phi không nghe lời trình bày của Tôn Càn ?
+ Tại sao Trương Phi lại "hỏi kĩ việc ở Hứa Đô" từ tên lính cầm cờ hiệu ?
+ Tại sao Trương Phi "thụp lạy Vân Trường" sau khi nghe "hai bà" kể lại những việc Quan Công đã trải qua ở Hứa Đô ?
Hai nét bộc trực thô bạo và tinh tế được kết hợp miêu tả trong một thời điểm thử thách cam go, cho thấy vẻ đẹp và dũng khí của Trương Phi. Đồng thời cũng cho thấy, tính chất kịch tính của giải pháp ba hồi trống ở đây.
2. Tại sao Trương Phi lại đưa ra yêu cầu đòi Quan Công minh oan bằng máu ?
Trả lời:
Hồi trống Cố Thành tái hiện cuộc gặp gỡ anh em đầy bất ngờ, nằm ngoài dự kiến của Trương Phi lẫn Quan Vân Trường. Song cuộc gặp gỡ này không phải đằm thắm mà đầy thử thách gian lao, thậm chí phải đối mặt với cái chết nữa.
- Sự hiểu lầm của Trương Phi vốn đã có sẵn từ trước, khi nghe tin Quan Công đầu hàng Tào Tháo, mà theo Trương Phi thì điều đó cũng có nghĩa là phản bội lại lời thề kết nghĩa anh em, lời thề kết nghĩa vườn đào. Đối với các anh hùng nghĩa hiệp Trung Hoa thì lời thề là rất thiêng liêng, phản bội lời thề là vô cùng nghiêm trọng.
- Tại cuộc gặp bất ngờ trên đường Quan Công đi tìm anh mình là Lưu Bị, thái độ của Trương Phi được biểu hiện rất quyết liệt: giận dữ, quyết không tha cho kẻ đã phản bội, bởi vì đối với Trương Phi thì "Trung thần thà chịu chết chứ không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ ?".
- Đối với Trương Phi, vấn đề không chỉ là "tai nghe" mà còn phải là "mắt thấy" thì mới có sức thuyết phục. Bởi thế Trương Phi không quan tâm tới lời khuyên của hai chị dâu, cũng chẳng thèm đếm xỉa tới lời biện giải của Tôn Càn. Trương Phi đòi Quan Công phải giải oan bằng máu.
Giải pháp minh oan này hết sức nguy hiểm, nhưng là giải pháp tất yếu, phù hợp với tính cách Trương Phi.
3. Viết một đoạn văn ngắn kể lại cuộc gặp gỡ anh em Quan - Trương tại Cổ Thành.
Trả lời:
a) Mở bài: Giới thiệu vài nét về các nhân vật.
Ví dụ : Quan Công và Trương Phi là hai trong số nhiều nhân vật tiêu biểu của Tam quốc diễn nghĩa. Giữa họ có một mối quan hệ gắn bó hết sức khăng khít bằng lời thề thiêng liêng kết nghĩạ anh em, thề cùng vào sinh ra tử, cùng nếm mật nằm gai, cùng đưa hết sức mình để khôi phục nhà Hán. Cuộc gặp gỡ của hai anh em Quan - Trương tại Cổ Thành đầy bất ngờ song cũng hết sức thú vị.
a) Thân bài:
Lưu ý các sự kiện chỉ rõ tính chất bất ngờ của cuộc gặp gỡ này:
+ Quan Công nghe tin Lưu Bị đang ở với Viên Thiệu thì rời bỏ Tào đi theo ngay, đến Cổ Thành lại được biết Trương Phi, người em kết nghĩa bị thất tán từ lâu, đang ở đó. Như vậy cái bất ngờ là đi tìm anh lại gặp em.
+ Quan Công không biết rằng Trương Phi đã nghe tin mình hàng Tào, cho dù đó chỉ là cách trá hình "thân tại Tào doanh, tâm tại Hán", cho nên Quan Công càng vui mừng vì sự gặp gỡ đó bao nhiêu thì càng bị bất ngờ trước cách xử sự của Trương Phi bấy nhiêu.
- Kể lại diễn biến của cuộc gặp mặt: nêu quan điểm và thái độ của hai bên để nhấn mạnh kịch tính của cuộc gặp gỡ này :
+ Quan Công thanh minh, Trương Phi không nghe. Quan Công nhờ hai chị nói giúp, Trương Phi cũng kiên quyết bác bỏ.
+ Quan Công thì bình tĩnh, Trương Phi thì nóng nảy.
+ Cả Quan Công và Trương Phi đều là những con người trung tín trung nghĩa nhưng sự khác nhau giữa họ là đối với Quan Công trung tín trung nghĩa được vận dụng khôn khéo, vừa giữ được mình, vừa vượt qua hoàn cảnh, còn đối với Trương Phi thì thực hiện trung tín trung nghĩa một cách bộc trực.
- Nêu ý nghĩa của ba hồi trống: đây là hồi trống thách thức, hồi trống minh oan và là hồi trống đoàn tụ.
b) Kết bài: Nêu cảm nghĩ cá nhân về cuộc gặp gỡ ấy.
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến Lớp 10 cùng thầy cô giáo giỏi tại Tuyensinh247.com, Cam kết giúp học sinh học tốt, bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục