Loigiaihay.com 2024

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự SBT Ngữ văn 10 tập 1

Bình chọn:
4.3 trên 3 phiếu

Giải câu 1, 2, 3 trang 45 SBT Ngữ văn 10 tập 1Có người cho rằng : “Muốn chia văn miêu tả riêng, văn kể chuyện riêng, nhưng không thể làm được. Vì chỉ có đôi đoạn văn thuần là miêu tả, hoặc thuần là kể chuyện"

1. Bài tập 1, trang 76, SGK.

Trả lời:

Cần lưu ý (đoạn văn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông) :

- Đây là một đoạn văn tự sự, được viết ra với mục đích chủ yếu là kể một chi tiết trong một câu chuyện chứ không phải để miêu tả hay biểu cảm.

- Tuy nhiên, trong đoạn trích lại có nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm ; nhờ thế, người đọc cảm thấy như đang tận mắt chứng kiến một bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu vàng trên vùng rừng núi phương Bắc xa xôi và thấy càng thêm yêu thiết tha cuộc đời thơ mộng đến diệu kì này.

- Hiệu quả miêu tả và biểu cảm ấy được làm nên trước hết và chủ yếu từ tình yêu của nhà văn đối với cuộc sống. Nhưng hiệu quả ấy cũng sẽ không thể có nếu nhà văn không biểu hiện một khả năng quan sát, liên tưởng, tưởng tượng tinh tế và mới mẻ khác thường.

2. Có người cho rằng : "Muốn chia văn miêu tả riêng, văn kể chuyện riêng, nhưng không thể làm được. Vì chỉ có đôi đoạn văn thuần là miêu tả, hoặc thuần là kể chuyện, còn phần lớn, cả hai thể loại đều xen kẽ lẫn vào nhau".

Anh (chị) có tán thành ý kiến đó không ? Vì sao ?

Trả lời:

Người nêu ý kiến được dẫn trong bài tập có thể đã đúng khi cho rằng, trong thực tế, "chỉ có đôi đoạn văn thuần là miêu tả, hoặc thuần là kể chuyện, còn phần lớn, cả hai thể loại đều xen kẽ lẫn vào nhau". Điều đó chứng tỏ miêu tả, tự sự và biểu cảm là những kiểu văn bản gắn bó với nhau mật thiết.

Nhưng không thể từ đó mà kết luận rằng không thể "chia văn miêu tả riêng, văn kể chuyện riêng". Vì một văn bản tự sự, dù có sử dụng nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm đến đâu, thì mục đích chủ yếu của nó vẫn không phải là miêu tả mà là kể chuyện. Có thể nói tương tự như thế về một văn bản miêu tả.

3. Đọc kĩ đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi.

Sao tôi rất nhớ những cây bàng dọc đường. Đặc biệt, tôi đã quan sát một cây. Một cây bàng cuối đông, cao to, thân vạm vỡ, cành xoè ra như tán. Nó đen đủi lắm. Tất cả lá của nó bị cháy rét ; lá vàng pha, lá son đỏ của mùa thu thơ mộng nay đã xịt lại một màu gỉ sắt [...]. Nhưng kia kìa, bỗng đâu một trận gió rét thốc tới ! Tức thì khối lá ào ào xao động, cây bàng buông xuống một loạt lá sạm đen, lá bay trong gió, có lá bay vèo. Một trận gió nữa xốc tới ! Cây bàng lại trút lá, say sưa. Cành của nó nhẹ bớt đi, chọc lên cao hơn. Bấy giờ tôi mới nhìn kĩ, thì ra ở cành trụi nhất, đã ló những chút màu xanh rồi. Cây bàng ! Có phải ngươi là hình ảnh của những cuộc đấu tranh mới, cũ ? Có phải ngươi dạy ta một bài học về cuộc chiến đấu để giành lấy mùa xuân ?

(Xuân Diệu, Mùa xuân thắng,trong

Tuyển tập Xuân Diệu, tập II,

NXB Văn học, Hà Nội, 1987)

Câu hỏi :

a) Trong đoạn trích này, tác giả đã miêu tả và biểu lộ cảm xúc như thế nào ?

b) Có thể lấy đoạn trích này làm ví dụ về miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự được không ? Vì sao ?

Trả lời:

Trong đoạn trích, tác giả đã miêu tả rất cụ thể và biểu lộ cảm xúc rất tinh tế. Tuy nhiên, vẫn không thể lấy đoạn trích này làm ví dụ về miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự. Đơn giản bởi đó không phải là đoạn trích được viết ra nhằm mục đích kể lại một câu chuyện nào đó về con người và đời sống. Nói cách khác, đó không phải là một đoạn văn tự sự.

4. Viết một bài văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm kể về một khuyết điểm, một lầm lỡ khiến anh (chị) còn thấy ân hận mãi.

Trả lời:

Có thể tham khảo văn bản tự sự sau :

MẨU CHUYỆN NHỎ

[...] Ấy là vào mùa đông năm Dân quốc thứ 6 (1917). Gió bắc thổi mạnh lắm, nhưng vì sinh kế, vừa sáng sớm, tôi đã phải ra đường. Dọc đường hầu như không gặp ai cả. vất vả lắm mới thuê được một chiếc xe kéo, bảo kéo đến cửa S. Một lát, gió dịu dần. Mặt đường không còn một hạt bụi, sạch bóng. Anh xe chạy càng nhanh. Gần đến cửa S, bỗng một người nào vướng phải càng xe, rồi ngã dần dần xuống.

[...] Bà ta nằm phục dưới đất, anh xe cũng vừa dừng lại. Tôi đoán bà ta chẳng bị thương tích gì, vả cũng không ai trông thấy. Tôi trách anh xe đa sự, tự chuốc lấy việc lôi thôi vào mình làm tôi phải đi trễ.

Tôi nói:

- Không việc gì đâu mà ! Kéo đi thôi.

Anh xe chẳng để ý đến lời tôi nói, hoặc giả không nghe thấy chăng, cứ đặt xe xuống, đi lại dìu bà kia từ từ đứng dậy, đỡ lấy cánh tay cho bà ta đứng vững, rồi hỏi:

- Có làm sao không ?

- Ngã đau lắm.

Tôi nghĩ bụng: "Chính mắt tôi trông thấy bà ngã dần dần xuống kia mà, làm sao lại có thể đau được ! Chỉ được cái làm bộ thôi. Thật đáng ghét. Còn anh, cũng đa sự, tự chuốc lấy phiền não vào thân, bây giờ mặc kệ anh, anh xoay xở lấy".

Anh xe nghe bà kia nói thế, nhưng không chần chừ tí nào, vẫn đỡ lấy cánh tay bà ta, dìu đi từng bước một về phía trước. Tôi hơi lấy làm ngạc nhiên, vội nhìn về phía trước. Thì ra, phía trước là một cái đồn cảnh sát. Chính anh xe đang dìu bà kia tới cổng cái đồn ấy.

Lúc bấy giờ, tôi vụt có cảm giác rất lạ: cái bóng anh xe người đầy cát bụi kia, nhìn từ phía sau, bỗng to dần ra. Anh càng bước tới, cái bóng càng to thêm, phải ngước lên nhìn mới thấy được, và dần dần cơ hồ biến thành một sức nặng đè lên người tôi đến nỗi làm cho cái "thằng tôi nhỏ nhen”, che giấu dưới làn áo da, như muốn lòi ra ngoài.

[...] Mẩu chuyện này, đến bây giờ, tôi thường thường vẫn nhớ tới, và do đó, cảm thấy đau khổ vô cùng và cố gắng suy nghĩ về con người tôi. [...] Mẩu chuyện nhỏ này cứ hiện lên trước mắt, có lúc rất rõ khiến tôi hết sức xấu hổ, thúc giục tôi phải tự sửa mình, và cũng làm cho tôi càng thêm can đảm, càng thêm hi vọng.

(Lỗ Tấn, trong Lỗ Tấn, Truyện ngắn tuyến tập,

Trương Chính dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1972)

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Xem lời giải SGK - Soạn văn 10 - Xem ngay

>> Học trực tuyến Lớp 10 tại Tuyensinh247.com, Cam kết giúp học sinh học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Bài viết liên quan