Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Sóng SBT Ngữ Văn 12 tập 1

Bình chọn:
4 trên 3 phiếu

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 100 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1. Hình tượng sóng và em được nhà thơ xây dựng với dụng ý nghệ thuật như thế nào ?

Trả lời:

- Đây là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh, chưa có trong các bài thơ tình nào.

- Nhà thơ dựng lên hai hình tượng sóng và em song hành suốt theo mạch bài thơ như một cộng hưởng để nói lên những trạng thái tâm lí phong phú, phức tạp và tinh tế trong tình yêu : vừa dữ dội vừa dịu êm, vừa ồn ào vừa lặng lẽ: “Nỗi khát vọng tình yêu - Bồi hồi trong ngực trẻ”. Hình tượng sóng được hình tượng em bổ sung, đồng vọng : “Sóng bắt đầu từ gió - Gió bắt đầu từ đâu ?”, còn "Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau”. Sóng nhớ bờ “Ngày đêm không ngủ được” thì “Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức”. Sóng thì "Con nào chẳng tới bờ” còn em thì “Nơi nào em cũng nghĩ - Hướng về anh - một phương”.

Bài thơ mượn hình tượng sóng để nói chuyện tình yêu. Nhưng sóng không phải là một ẩn dụ hoàn chỉnh. Ẩn dụ ấy được giải thích ngay từ nửa sau của khổ thơ thứ hai, không đợi người đọc phải suy đoán, phải tìm cách “giải mã” dẫu rằng cuộc giải mã vẫn-cần được tiếp tục ở một cấp độ cao hơn... Xuân Quỳnh bày tỏ nồng nàn, cùng kiệt nỗi yêu thương và khát vọng của mình. Khi cần, chị đứng ra thuyết minh trực tiếp. Chẳng hạn, sau khổ thơ miêu tả những con sóng dưới lòng sâu, trên mặt nước, ngày đêm không ngủ được vì nhớ bờ, chị “bồi" thêm hai câu rất đột ngột, phoi lộ cái tôi của mình.

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức...

[...] Khi hoá thân vào sóng, khi đứng hẳn ra xưng em một mà hai, hai mà một, cái tôi Xuân Quỳnh lúc nào cũng trăn trở không yên. Vừa bộc lộ gián tịếp lại vừa giãi bày trực tiếp, khi ẩn, khi hiện, đấy mới chính là “nhịp sóng” ngầm của bài thơ, quy định những xao động bề mặt, biểu hiện qua câu chữ và âm điệu nhịp điệu tương đối dễ thấy. ..

(Phan Huy Dũng, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học lớp 12, NXB Giáo dục, 1996)

2. Theo anh (chị), vì sao bài thơ đã sống được rất lâu trong lòng độc giả ?

Trả lời:

Tạo được một hiệu quả nghệ thuật lâu bền như vậy vì bài thơ đã nói được rất hay và rất đúng về một tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ và quý giá của con người mọi thời đại. Đó là tình yêu.

- Cái hay là những đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ như kết cấu độc đáo của hình tượng sóng và em, âm hưởng và giọng điệu bài thơ, thể thơ năm chữ,...

- Cái đúng chính là sự nhận thức và phát hiện khá tinh tế, sâu sắc những tình cảm, những trạng thái tâm hồn con người ta khi yêu nhau “Bồi hồi trong ngực trẻ”, khát vọng lí giải tình yêu đến từ đâu và tự lúc nào : “Sóng bắt đầu từ gió - Gió bắt đầu từ đâu ? - Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau”. Yêu là nhớ, yêu là mong đợi, yêu là khát vọng chung tình và chung thuỷ,...

Lưu ý : Những ý cần có để chứng minh cho cái hay và cái đúng đã được học trong giờ phân tích bài Sóng, anh (chị) cần chọn lựa, sắp xếp thành hệ thống chặt chẽ, không trùng lặp trong bài làm của mình.

3. Bài thơ Sóng gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về tình yêu ?

Trả lời:

Bài tập này yêu cầu nói lên được những suy nghĩ của bản thân về tình yêu. Đây là một dạng của kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí có học trong chương trình Làm văn lớp 12. Tuy nhiên khi phát biểu ý kiến riêng, không thể thoát li chủ đề và nội dung chủ yếu mà bài thơ đã đặt ra. Về nội dung phát biểu, dĩ nhiên là có thể và nên dựa vào những điều đã được học về nội dung bài Sóng của Xuân Quỳnh nhưng vẫn cần có màu sắc riêng. Anh (chị) không nhất thiết phải đi vào tất cả nội dung đã học mà có thể đi sâu vào một vài ý mà mình suy nghĩ sâu sắc nhất, tâm đắc nhất từ những xúc cảm của nhà thơ.

4. Cảm xúc của Xuân Quỳnh về tình yêu trong bài Sóng có điểm nào gần gũi với cảm xúc của Xuân Diệu trong bài Vội vàng ?

Trả lời:

- Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là hai tác giả thuộc hai thế hệ khác nhau nhưng trong cảm thức về tình yêu - một chủ đề muôn thuở - vẫn có những điểm gần gũi.

- Dĩ nhiên mỗi học sinh có thể có những ý kiến riêng theo quan điểm của mình. Sau đây chỉ là một số gợi ý :

+ Cả hai nhà thơ đều nói lên khát vọng mãnh liệt, thiết tha trong tình yêu. Xuân Diệu thú nhận : “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân” ... “Ta muốn ôm”...“Ta muốn riết"... “Ta muốn say”... “Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều"-... Còn nhà thơ nữ cũng không giấu giếm : “Ngày đêm không ngủ được - Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức”...

+ Cả hai đều dự cảm, lo lắng về tính hữu hạn của tình yêu : Xuân Diệu lo lắng muốn tắt nắng đi, muốn buộc gió lại,... và day dứt về cái ngắn ngủi của tình yêu : “Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật - Không cho dài thời trẻ của nhân gian”... Xuân Quỳnh nghĩ : “Cuộc đời tuy dài thế - Năm tháng vẫn đi qua - Như biển kia dẫu rộng - Mây vẫn bay về xa”.

5. Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ Sóng.

Trả lời:

 Bài thơ Sóng thể hiện chân thực, tinh tế vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương, gắn bó, một trái tim luôn trăn trở, lo âu, một tấm lòng luôn mong được hi sinh, dâng hiến cho tình yêu.

- Bài thơ là sự vận động và phát triển song hành của hai hình tượng : sóng và em.

+ Em là cái tôi trữ tình của nhà thơ, là hình tượng được miêu tả trong những cung bậc khác nhau của tình yêu.

+ Sóng chính là hình ảnh ẩn dụ cho trái tim người phụ nữ đang yêu, là sự hoá thân, phân thân của em.

- Trong 4 khổ thơ đầu của bài thơ, nhân vật trữ tình soi vào sóng để tự nhận thức những đặc tính, những phẩm chất, những trạng thái tâm lí bí ẩn, riêng tư, đầy nữ tính của một trái tim phụ nữ đang say đắm trong tình yêu.

+ Khổ 1 : Những câu thơ trong khổ đầu miêu tả sóng vừa chân thực, cụ thể, vừa tiềm tàng những nét nghĩa ẩn dụ gợi sự liên tưởng sâu xa, tinh tế tới tình yêu của người phụ nữ.

● Hai câu đầu miêu tả sự thất thường muôn đời của sóng gợi liên tưởng thật tự nhiên đến trái tim người con gái khi yêu ; tình yêu luôn là sự thống nhất kì lạ của những mâu thuẫn, luôn mang trong mình những trạng thái tâm lí phong phú, phức tạp, đầy biến động:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

● Tới hai câu sau, sóng được đặt trong mối quan hệ với sông và bể; ý nghĩa ẩn dụ giúp nhà thơ khám phá nét tương đồng giữa tình yêu và sóng, đó là đều khao khát vươn tói sự lớn lao, phóng khoáng:

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

+ Khổ 2 : Cấu trúc cảm thán và ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng đã thể hiện sự tương đồng giữa sóng và tình yêu : Cũng như những con sóng muôn đời dào dạt, sôi nổi trong lòng biển, tình yêu là khát vọng vĩnh hằng của con người, mà mãnh liệt nhất là ở tuổi trẻ.

+ Khổ 3,4:

● Con người thường có nhu cầu khám phá những bí ẩn và cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu. Tâm hồn luôn trăn trở của Xuân Quỳnh cũng thường trực nỗi khắc khoải tự nhận thức về mình cùng những băn khoăn, suy ngẫm về tình yêu. Suy ngẫm hiện lên trong các câu hỏi dồn dập như những con sóng miên man không dứt.

● Câu trả lời chung cho thấy cả gió và tình yêu đều bí ẩn và kì lạ, đều không thể cắt nghĩa, đều không có lí lẽ hay quy luật

- Nếu có thì đấy cũng là quy luật riêng của trời đất, lí lẽ riêng của tình yêu.

- Trong 5 khổ cuối của bài thơ, nhân vật trữ tình thông qua sóng để tự biểu hiện những nỗi niềm, cảm xúc; tan vào sóng để dâng hiến và bất tử.

+ Khổ 5 : Nỗi nhớ và những dự cảm trong tình yêu

● Trong 4 câu thơ đầu, nhà thơ miêu tả sắc thái của sóng, quan sát sóng bằng trái tim đang yêu, mượn sóng để thể hiện trước hết là nỗi nhớ - trạng thái cảm xúc luôn gắn liền với tình yêu.

● Hai câu sau trực tiếp bộc lộ cả nỗi nhớ cùng những dự cảm, lo âu của một trái tim phụ nữ luôn khao khát tình yêu và hạnh phúc nhưng lại có quá nhiều những trải nghiệm đắng cay.

+ Khổ 6 : Bản lĩnh của người phụ nữ trong tình yêu. Đó là sự thuỷ chung son sắt bất chấp mọi thử thách, mọi khó khăn trắc trở.

+ Khổ 7 : Niềm tin vào tình yêu

Nếu khổ 6 thể hiện sự thuỷ chung son sắt của người phụ nữ trong tình yêu thì tới khổ 7, thông qua hình tượng sóng, nhà thơ đã mượn chính quy luật khách quan của trời đất để kiểm chứng và khẳng định niềm tin vào sự thuỷ chung của mình, niềm tin vào bến bờ hạnh phúc và đích đến cuối cùng tốt đẹp của tình yêu khi con sóng nhớ bờ của khổ 5 đã trở thành con sóng tới bờ trong khổ 7.

+ Hai khổ cuối: Tình yêu tan vào sóng để dâng hiến và bất tử

Khổ 8 tiếp tục mở ra những trăn trở, nỗi lo âu, buồn bã về sự trôi chảy của thời gian và sự hữu hạn của đời người, nhất là của tình yêu. Cảm giác này thường xuất hiện ở những con người từng trải, từng chịu sự đổ vỡ, mất mát, tổn thương và vì thế luôn khát khao sự bình yên, khao khát sự vĩnh hằng, vô hạn.

Cảm giác về sự hữu hạn khiến Xuân Diệu tìm đến một giải pháp mãnh liệt đầy nam tính, đó là vội vàng tận hưởng cuộc đời một cách say sưa, ham hố khi còn có thể ; còn Xuân Quỳnh lại mong ước được sinh và dâng hiến, cũng là mong được sống hết mình, sống mãnh liệt trong tình yêu. Khao khát cháy bỏng trong tình yêu đã được nhà thơ bày tỏ chân thành, táo bạo và củng thật nhân hậu, vị tha.

Sóng đã trở thành một trong số những bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ Xuân Quỳnh. Thông qua hình tượng sóng, bài thơ đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu : vừa hiện đại vì sự bộc lộ thành thực, táo bạo, mạnh mẽ những khao khát, đam mê ; vừa giữ được những nét truyền thống tốt đẹp trong sự dịu dàng, đằm thắm, đức hi sinh và sự gắn bó thuỷ chung.

(Trịnh Thu Tuyết soạn)

Sachbaitap.com

Xem lời giải SGK - Soạn văn 12 - Xem ngay

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Bài viết liên quan