Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Thực hành đọc hiểu Đây thôn Vĩ Dạ SGK Ngữ Văn 11 tập 2 Cánh diều

Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Hình ảnh con người ở bên lề của cuộc sống trong Đây thôn Vĩ Dạ đem lại cho em cảm xúc gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) trình bày cảm xúc đó của em.

* Nội dung chính: Từ những kỉ niệm về Huế, nhà thơ đã khắc họa nên bức tranh tuyệt về cảnh vật, con người xứ Huế. Đồng thời, mượn câu chuyện tình đơn phương của mình để kín đáo gửi gắm tình yêu quê hương xứ sở.

Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 41 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

- Đọc trước bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, tìm hiểu thêm thông tin nhà thơ Hàn Mặc Tử.

- Tìm hiểu cảnh vật, con người xứ Huế và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Trả lời:

- Nhà thơ Hàn Mặc Tử:

+ Tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí.

+ Ông sinh tại tỉnh Đồng Hới (nay thuộc Quảng Bình), trong một gia đình công giáo nghèo.

+ Tốt nghiệp trung học ở Huế, năm 1932 ông làm ở Sở Đạc điền ở Bình Định, rồi vào Sài Gòn làm báo. Đến năm 1936, mắc bệnh phong, ông về hẳn Quy Nhơn chữa bệnh và mất tại trại phong Quy Hòa.

+ Được coi là hiện tượng thơ kì lạ bậc nhất của phong trào Thơ mới.

- Cảnh vật, con người xứ Huế:

+ Cảnh vật xứ Huế cổ kính, mộc mạc nhưng nên thơ và hữu tình.

+ Xứ Huế có nhiều kì công kiến trúc nổi tiếng, là chứng nhân của lịch sử hào hùng của dân tộc.

+ Xứ Huế có nhiều điệu hò, điệu lý, điệu Bắc, điệu Nam, đàn ca tài tử,... 

+ Ẩm thực Huế mang nét thanh cao của cung đình, có sự kết hợp món ngon dân gian Huế lâu đời và nhiều món ngon nhất cả nước, được đưa về Phú Xuân Huế dâng chúa, tiến vua.

- HCST bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ:

+ Khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh, ở trại phong Quy Hòa => Cô đơn, xa cách với cuộc đời.

+ Khơi nguồn cảm hứng từ tấm bưu ảnh mà Hoàng Cúc gửi tặng khi biết ông bị bệnh, từ mối tình đơn phương với Hoàng Cúc, từ tình yêu và kỉ niệm với xứ Huế.

=> Khơi gợi kí ức thầm kín xa xưa và nỗi nhớ con người, cảnh vật xứ Huế.

 

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu 1 (trang 41 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Chú ý hình ảnh so sánh “xanh như ngọc” ở dòng thơ số 3.

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 1 của bài thơ, chỉ ra hình ảnh nào được so sánh xanh như ngọc.

Trả lời:

Xanh như ngọc – hình ảnh so sánh mang tính ước lệ: sắc xanh vừa có màu vừa có ánh, giọt sương sớm đọng lại, khúc xạ với ánh sáng tựa hạt ngọc hiện lên lung linh sáng ngời

=> Màu xanh được lọc qua ánh sáng rất đẹp và gợi cảm, vườn thôn Vĩ hiện lên giống như viên ngọc tuyệt đẹp.

Câu 2 (trang 41 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Chú ý về tính nghịch lí, khác thường trong quan hệ của “gió” và mây”. 

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 2, chỉ ra sự khác thường bằng cách so sánh với thực tế.

Trả lời:

Gió theo lối gió mây đường mây

+ Trong câu thơ chúng ta thấy gió và mây mỗi sự vật theo một hướng khác nhau.

+ Ngoài thực tế, gió thổi hướng nào mây sẽ bay theo hướng đó vì nhờ có gió mây mới có thể bay đi. 

→ Nghịch lý khác thường: Mây và gió từ sự vật gắn liền với nhau lại thành hai sự vật tách biệt không liên quan đến nhau. Trong thực tế không thể xảy ra điều này, từ đó tác giả muốn sử dụng để bày tỏ dụng ý khác. 

Câu 3 (trang 42 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Từ "ở đây" trong dòng thơ số 11 chỉ không gian nào?

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 3, xác định vị trí từ ngữ và hiểu nội dung của khổ thơ để tìm ra không gian.

Trả lời:

“Ở đây” là thế giới bên trong, nơi nhà thơ đang phải sống những ngày tháng cô quạnh và chịu đựng căn bệnh hiểm nghèo (khác với “Đây thôn Vĩ Dạ” là thế giới ngoài kia rực rỡ nhưng quá xa vời)

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 42 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Bức tranh thôn Vĩ (khổ 1) có đặc điểm gì? Bức tranh đó được nhìn từ con mắt của ai? Qua đó, ta thấy được tâm trạng gì của nhân vật trữ tình? 

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 1 của bài thơ, chỉ ra hình ảnh, chi tiết nổi bật để miêu tả được bức tranh thôn Vĩ, chú ý về cách xưng hô để thấy được điểm nhìn và tâm trạng của người đang miêu tả đó.

Trả lời:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Bức tranh thôn Vĩ ở khổ 1 là một bức tranh thiên nhiên rất đẹp và nên thơ. Câu thơ mở đầu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” là một lời mời vừa thân tình lại vừa mang theo sự trách yêu của cô gái thôn Vĩ Dạ. Lý do đến chơi cũng rất đơn giản bởi bức tranh thiên nhiên nơi đây hiện lên rất rõ nét qua ba câu thơ tiếp của đoạn thơ đầu. Thôn vĩ nổi bật sáng chói với những tia nắng mới lên chiếu qua hàng cau cùng với khu vườn xanh mướt đầy sức sống. Giữa khung cảnh thiên nhiên tràn ngập sức sống ấy, hình ảnh người con gái với khuôn mặt chữ điền lấp ló qua những lá trúc hiện lên. Có thể thấy bức tranh đó được nhìn từ con mắt của tác giả. Qua đó, ta thấy được tình yêu của nhân vật trữ tình với thôn Vĩ Dạ và với cuộc tình dang dở của ông với người con gái nơi đây.

Câu 2 (trang 42 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Bức tranh thiên nhiên ở khổ 2 có điểm nào khác với khổ 1? Sự khác biệt đó cho biết điều gì về tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình?

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 1 và khổ 2, xác định bức tranh thiên nhiên có sự thay đổi như thế nào khi qua khổ 2, tại sao tác giả lại để sự thay đổi đó (chú ý về các từ ngữ bộc lộ tâm trạng, tình cảm).

Trả lời:

+ Bức tranh thiên nhiên ở khổ 2 so với khổ 1 có nhiều điểm khác biệt. Nếu khổ thơ thứ nhất tác giả miêu tả bức tranh thôn Vĩ Dạ ngập tràn sức sống với khung cảnh thiên nhiên ngập tràn sắc màu thì ở khổ hai, khung cảnh thiên nhiên đã trở nên đượm buồn hơn. 

+ Tâm trạng: Nỗi buồn đã nhuốm cả vào không gian, cảnh vật, làm cho tâm trạng con người cũng trở nên buồn hơn. 

Câu 3 (trang 42 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Qua ba câu hỏi trong ba khổ thơ, hãy nêu nhận xét của em về cách cấu tứ của bài thơ.

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 1, 2, 3 tìm ra những câu hỏi trong các khổ thơ từ đó rút ra được cách sắp xếp của tác giả. 

Trả lời:

- Cách cấu tứ của bài thơ: bài thơ có sự vận động mạch cảm xúc đứt đoạn, bất định nhưng được gắn kết, thống nhất bằng mạch cảm xúc u hoài => Tạo ra âm điệu nhất quán liền mạch. (Từ nguồn cảm xúc với thôn Vĩ à tâm trạng, tâm tình được gợi nên).

- Từ “ai” và câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ => Yếu tố ngôn ngữ gợi nên sự mơ hồ không rõ hư thực.

- Những câu hỏi nghi vấn không phải để hỏi, đó là hình thức độc thoại nội tâm để nhà thơ bộc bạch cảm xúc, giao cảm với đời và với chính mình.

Câu 4 (trang 42 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Trong bài Nhớ thương, Hàn Mặc Tử khắc hoạ tâm trạng của người cung nữ thông qua hình ảnh đối lập giữa “ngoài kia” và “trong đây”.

Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa

Trời ở trong đây chẳng có mùa 

Không có niềm trăng và ý nhạc

Có người cung nữ nhớ thương vua

Theo em, sự đối lập không gian được thể hiện thế nào trong Đây thôn Vĩ Dạ? Ý nghĩa của sự đối lập này là gì?

Phương pháp:

Đọc toàn bài tìm ra sự đối lập về không gian, tác giả sử dụng sự đối lập ấy nhằm mục đích gì, muốn truyền tải điều gì?

Trả lời:

* Sự đối lập trong không gian được thể hiện trong bài thơ:

- Bức tranh thiên nhiên:

+ Khổ 1: Cảnh vật thiên nhiên hiện lên đầy sức sống với những tia nắng mới cùng sắc xanh ngập tràn.

+ Khổ 2: Bức tranh nhuốm màu tâm trạng với sắc buồn là chủ đạo. Cảnh vật vẫn đẹp nhưng lại ẩn chứa nỗi buồn man mác.

- Không gian thực và ảo: Ở những câu thơ đầu, người đọc thấy rõ được không gian thực, cảnh vật thiên nhiên của xứ Huế - thôn Vĩ. Tuy nhiên ở những câu thơ cuối, lại xuất hiện sương khói mờ ảo, mọi thứ đều không còn nhìn thấy rõ chứng tỏ đây là không gian ảo, tác giả tưởng tượng ra.

* Ý nghĩa: Thể hiện tâm trạng, nỗi buồn trong lòng của tác giả.

Câu 5 (trang 42 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Nhận diện một yếu tố tượng trưng trong bài thơ và chỉ ra vai trò của yếu tố đó trong việc thể hiện nội dung.

Phương pháp:

Gợi nhớ lại kiến thức về tượng trưng (biểu tượng cho điều gì đó) để tìm ra được yếu tố đó trong bài thơ, chỉ ra yếu tố đó thể hiện điều gì từ đó rút ra được vai trò. 

Trả lời:

Một yếu tố tượng trưng trong bài thơ là hình ảnh trăng. Trăng không chỉ tượng trưng cho cái đẹp mà còn tượng trưng cho hạnh phúc và thanh bình. Vì vậy, hình ảnh trăng xuất hiện trong bài thơ đã khơi dậy cho người đọc về một niềm tin và khát vọng vào tình yêu và cuộc sống. 

Câu 6. (trang 42 SGK Ngữ văn 11 Tập 2): 

Hình ảnh con người ở bên lề của cuộc sống trong Đây thôn Vĩ Dạ đem lại cho em cảm xúc gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) trình bày cảm xúc đó của em.

Phương pháp:

Đọc toàn bài, đưa ra cảm nhận về hình ảnh con người với thân phận bị bỏ rơi, bị quên lãng. Trình bày lại thành một đoạn văn có hình thức 8 - 10 dòng.

Trả lời:

Bài kham khảo 1

Xuyên suốt bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, hình ảnh thôn Vĩ đã gắn chặt với bao mộng ước, là nơi đong đầy kí ức, niềm nhớ mong khắc khoải của nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhưng ẩn sâu bên trong, ta thấy được nỗi xót xa và khao khát được hạnh phúc của một con người ở bên lề cuộc sống. Sống trong những ngày tháng đau đớn vì bệnh tật, nỗi cô đơn và dự cảm chia xa bủa vậy, nhà thơ khao khát được trở về thôn Vĩ, được ngắm nhìn thiên nhiên và con người thêm một lần. Nhưng tất cả chỉ còn là hư ảo trong nỗi nhớ chập chờn. Tâm trạng ngổn ngang, tuyệt vọng, ám ảnh bởi chia lìa và khẩn thiết được níu lấy sự sống, giao cảm với đời được thể hiện trọn vẹn trong hai khổ thơ đầu. Đến khổ thơ cuối, tất cả chỉ còn là ảo ảnh mịt mờ, nhà thơ chìm sâu trong nỗi bi thương tận cùng. Bài thơ chứa đựng nỗi đau, nỗi cô đơn nhưng vẫn bộc lộ tình yêu tha thiết dành cho thôn Vĩ, cho con người và cuộc đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Dẫu cuộc đời có đau thương, nhà thơ vẫn khao khát yêu, sống mãnh liệt và giao cảm với đời.

Bài kham khảo 2

Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, thiên nhiên và con người xứ Huế mộng mơ. Hình ảnh con người ở bên lề của cuộc sống không phải chủ thể chính trong bài thơ nhưng cũng là một hình ảnh đẹp, thể hiện được cảm xúc của bài thơ. Câu thơ mở đầu bài thơ là một lời mời chào xen chút dỗi hờn của cô gái thôn Vĩ. Đến với những câu thơ tiếp theo miêu tả khung cảnh thiên nhiên thôn Vĩ, đâu đó lấp ló hình ảnh con người với khuôn mặt chữ điền sau những tán lá trúc. Sang khổ thơ thứ hai, màu sắc của cảnh vật cùng thiên nhiên và tâm trạng con người đã có sự thay đổi rõ rệt. Cảnh vật hiện lên với nét buồn qua cái nhìn đầy nội tâm của nhân vật trữ tình. Cảnh vật như có sự chia li, xa cách với nhau. Ở khổ thơ cuối, có thể thấy cảnh vật và con người đều chìm sâu vào trong mộng ảo mơ hồ với sương khói mờ nhân ảnh. Chính vì vậy, hình ảnh con người bên lề cảnh vật thiên nhiên đóng góp vai trò rất quan trọng tạo nên sự thành công của bài thơ. 

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Bài viết liên quan