Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta trang 65 SGK Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức

Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Soạn Văn 8 bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta trang 65 SGK Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức. Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trả lời cho câu hỏi: Phải chăng lòng yêu nước của mỗi người chỉ thể hiện khi Tổ quốc bị xâm lăng?

* Trước khi đọc:

Câu hỏi 1 (trang 65 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Qua những bài học từ môn Lịch sử hoặc qua những truyện lịch sử đã học, đã đọc, hành động yêu nước của nhân vật nào để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?

Phương pháp: 

Dựa vào hiểu biết của em để trình bày về nhân vật lịch sử ấn tượng nhất.

Trả lời:

Qua những bài học từ môn Lịch sử hoặc qua những truyện lịch sử đã học, đã đọc, hành động bóp nát quả cam của nhân vật Trần Quốc Toản để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất. Hành động ấy đã thể hiện lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc và quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm của người anh hùng trẻ tuổi.

Câu hỏi 2 (trang 65 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Trong cuộc sống hôm nay, con người có thể thể hiện tinh thần yêu nước bằng những cách nào?

Phương pháp: 

Em nêu lên quan điểm của mình.

Trả lời:

 Biểu hiện tinh thần yêu nước trong cuộc sống hôm nay:

- Cố gắng học tập, rèn luyện bản thân thật tốt, sống có ước mơ, hoài bão, biết vươn lên để thực hiện những kế hoạch mình đề ra.

- Tìm hiểu, trân trọng những nét bản sắc văn hóa dân tộc, lịch sử, địa lí của nước nhà,

- Đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với mọi người xung quanh và với người có hoàn cảnh khó khăn.

- Tuân thủ pháp luật, những nguyên tắc, quy định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

* Đọc văn bản

Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc 

1. Theo dõi: Cách mở đầu và câu văn thể hiện nội dung bao quát của văn bản.

- Cách mở đầu trực tiếp: Giới thiệu về dân ta có lòng nồng nàn yêu nước; đó là truyền thống quý báu và khẳng định mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì nó lại trỗi dậy sức mạnh hơn bao giờ hết.

- Câu văn thể hiện nội dung bao quát: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.

2. Theo dõi: Những bằng chứng được sử dụng nhằm làm sáng tỏ điều gì?

Những bằng chứng được sử dụng nhằm làm sáng tỏ lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta.

3. Theo dõi: Cách nêu bằng chứng ở đây có gì đáng chú ý?

Các bằng chứng được đưa theo mô hình “từ…đến…” và được sắp xếp theo trình tự: tuổi tác, vùng miền, giai cấp… Những sự việc này có mối quan hệ theo các bình diện khác nhau nhưng bao quát được mọi khía cạnh.

4. Theo dõi: Cần phải làm gì để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân ta?

Phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Văn bản khẳng định lòng yêu nước là một truyên thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước đó được thể hiện rõ ràng và rực rỡ nhất trong những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Đoạn trích cũng phản ánh thái độ trân trọng, tự hào của tác giả trước truyền thống ấy.

Câu 1 (trang 67 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Người viết văn bản nghị luận bao giờ cũng hướng tới đối tượng cần thuyết phục. Theo em, văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hướng tới đối tượng nào?

Phương pháp: 

Đọc hết nội dung văn bản để xác định đối tượng mà văn bản hướng tới.

Trả lời:

Theo em, văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hướng toàn thể nhân dân Việt Nam.

Câu 2 (trang 67 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một trích đoạn của Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam. Điều gì cho thấy phần trích này vẫn thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh?

Phương pháp: 

Dựa vào lý thuyết đặc điểm của văn bản để trả lời.

Trả lời:

Văn bản có bố cục 3 phần cho thấy đoạn trích vẫn thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh:

+ Phần 1: Mở bài: giới thiệu được vấn đề: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.

+ Phần 2: Thân bài: làm rõ vấn đề qua các luận cứ và luận chứng.

+ Phần 3: Kết bài: khái quát lại vấn đề và kêu gọi mọi người hành động.

Câu 3 (trang 67 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Bài nghị luận có mấy luận điểm? Nêu từng luận điểm và chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm, từ đó rút ra nội dung bao quát của văn bản?

Phương pháp: 

Tóm lược nội dung để xác định câu chủ đề và luận điểm của bài.

Trả lời:

- Bài viết có 4 luận điểm

+ Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Đó là một truyền thống quý báu của ta.

+ Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta.

+ Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước: lòng nồng nàn yêu nước

+ Bổn phận của chúng ta…

- Mối liên hệ giữa các luận điểm: Từng luận điểm đều có vị trí riêng nhưng lại liên kết chặt chẽ với nhau, hô ứng với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề “Tinh thần yêu nước là truyền thống quý báu của ta”. Trong đó luận điểm 1 là luận điểm chính, thâu tóm nội dung toàn bài: khẳng định lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. 

Câu 4 (trang 67 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Căn cứ vào những bằng chứng khách quan nào mà tác giả khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”? Vì sao lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta được tác giả xem là một “truyền thống quý báu”.

Phương pháp: 

Đọc văn bản để tìm ra các dẫn chứng khách quan.

Trả lời:

- Những bằng chứng khách quan để tác giả khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”:

+ Trong lịch sử: Những trang sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...

+ Trong kháng chiến Pháp: Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, từ những chiến sĩ ngoài mặt trận đến những công chức hậu phương...”.

- Lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta được tác giả xem là một “truyền thống quý báu” vì: truyền thống yêu nước đó đã diễn ra xuyên suốt các thời kì lịch sử, trong mọi tầng lớp nhân dân (già, trẻ, gái, trai), mọi vùng miền của đất nước (miền ngược, miền xuôi, nước ngoài, trong nước).

Câu 5 (trang 67 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Văn nghị luận của Hồ Chí Minh bao giờ cũng hướng người đọc đi từ nhận thức tới hành động. Qua văn bản này, tác giả muốn người đọc nhận thức được điều gì và có hành động như thế nào? Những nhận thức và hành động đó có ý nghĩa như thế nào trong đời sống cộng đồng?

Phương pháp: 

Đọc toàn bộ văn bản và nêu quan điểm của em về việc tác giả muốn người đọc nhận thức điều gì.

Trả lời:

- Nhận thức: Lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Phản ánh thái độ trân trọng, tự hào trước truyền thống ấy.

- Hành động: Phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

- Nhận thức và hành động đó có ý nghĩa với đời sống cộng đồng:

+ Làm trổi dậy một sức mạnh yêu nước quật cường, anh dũng chiến đấu bảo vệ tổ quốc không sợ hi sinh. 

+ Thế hệ trẻ cố gắng học tập để trở thành người có ích cho đất nước, đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

+ Người nông dân hăng say lao động sản xuất, người giáo viên miệt mài bên trang giáo án bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước…

=> Mỗi người mỗi thế mạnh, mỗi lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ khác nhau, hợp sức xây dựng đất nước.

Câu 6 (trang 67 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Theo em, những yếu tố nào đã góp phần làm nên sức thuyết phục của bài nghị luận này? Vấn đề được bàn luận trong văn bản có ý nghĩa trong thời đại ngày nay nữa không? Vì sao?

Phương pháp: 

Em đưa ra các yếu tố làm nên sức thuyết phục cho văn bản. Và nêu quan điểm cá nhân về ý nghĩa thời đại của nó.

Trả lời:

- Theo em, những yếu tố đã góp phần làm nên sức thuyết phục của bài nghị luận này:

+ Chứng minh quan điểm bằng hệ thống luận điểm chặt chẽ, hợp lí; sử dụng các lí lẽ thuyết phục và bằng chứng chính xác, đầy đủ.

+ Biết sử dụng yếu tố biểu cảm để tăng sức thuyết phục của văn bản.

- Vấn đề bàn luận trong văn bản vẫn rất có ý nghĩa trong đời sống ngày nay. Bởi vì  lòng yêu nước luôn ẩn náu trong trái tim và biểu hiện qua hành động. Mỗi cá nhân phải có lòng yêu nước và hãy hành động vì đất nước. Cuộc sống có trở nên tốt đẹp, nền hòa bình dân tộc có trở nên bền vững, đất nước có lớn mạnh hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những gì chúng ta làm hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.

Bài tập (trang 67 sgk Ngữ văn 8 KNTT Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trả lời cho câu hỏi: Phải chăng lòng yêu nước của mỗi người chỉ thể hiện khi Tổ quốc bị xâm lăng?

Đoạn văn tham khảo

Tình yêu đất nước đã là truyền thống lâu đòi của dân tộc. Dù ở thời đại nào, tinh thần yêu nước cũng cần phải được thể hiện ở mỗi người. Nếu mỗi người đều có lòng yêu nước, nghĩa là chúng ta tiếp nối truyền thống của dân tộc, nghĩa là chúng ta tiếp tục tiếp nhận và duy trì nguồn sức mạnh của dân tộc, sống đúng với đạo nghĩa và truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay. Hiện nay, đất nước ta đang trên đà phát triển, rất cần công sức xây dựng, đóng góp của mỗi cá nhân dành cho cộng đồng.  Hơn lúc nào hết chúng ta cần lòng yêu nước, hơn nữa còn cần biến nhận thức thành hành động. Trong thời đại ngày nay, khi nền hoà bình dân tộc và độc lập của đất nước đã được kiên cố, thể hiện tình yêu sâu đậm đối với đất nước, chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn về lòng yêu nước, nuôi dưỡng tình yêu nước trong chính tâm hồn mình và thúc đẩy lòng yêu nước ở những người xung quanh. Vì thế dù là khi Tổ quốc bị xâm lăng, hay là thời bình thì lòng yêu nước luôn phải tồn tại và sục sôi trong mỗi con người.

Sachbaitap.com 

Bài tiếp theo

Bài viết liên quan