1. Bài tập 3, trang 116, SGK.
Trả lời:
"Nợ" công danh mà tác giả nói đến trong bài thơ có thể hiểu theo hai nghĩa:
- "Nợ" công danh là "chí làm trai" (chí nam nhi) theo tinh thần Nho giáo: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm). Quan niệm lập công danh đã trở thành lí tưởng sống cao đẹp của trang nam nhi thời phong kiến: "Đã mang tiếng ở trong trời đất - Phải có danh gì với núi sông" (Nguyễn Công Trứ). Lí tưởng lập công danh có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ để sống có ý nghĩa "cùng trời đất muôn đời bất hủ". Công danh được xem là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai.
- "Nợ" công danh là chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử xã hội lúc bấy giờ, chí làm trai là phải chống giặc ngoại xâm, cứu nước, cứu dân. Công danh, sự nghiệp cá nhân thống nhất với công danh, sự nghiệp chung của đất nước. Ước nguyện lập công danh của người anh hùng họ Phạm là biểu hiện của ý thức trách nhiệm đối với nhân dân, dân tộc.
"Nợ" công danh hay chí làm trai, hay ý thức trách nhiệm đối với dân, với nước của Phạm Ngũ Lão là một quan niệm sống cao đẹp, có ý nghĩa tích cực không chỉ đối với trang nam nhi thời phong kiến mà còn đối với cả con người thời nay.
2. Phân tích ý nghĩa của nỗi “thẹn” trong bài thơ Tỏ lòng.
Trả lời:
Có thể hiểu nỗi "thẹn" của Phạm Ngũ Lão theo hai nội dung :
- Thẹn vì chưa có được tài năng lớn như Gia Cát Lượng (Khổng Minh là người xuất chúng, siêu phàm về mưu lược, trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, người đời thường nói "tài như Gia Cát Lượng" hoặc 'giỏi như Khổng Minh").
- Thẹn vì chưa có được nhiều công lao lớn như Gia Cát Lượng (Khổng Minh từng làm quân sư cho Lưu Bị, có nhiều công trạng, giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán - một trong ba nước thời Tam quốc).
Dù hiểu theo cách nào thì nỗi thẹn cũng làm ngời sáng lên nhân cách Phạm Ngũ Lão. Nỗi thẹn ấy không làm cho con người trở thành nhỏ bé. Nỗi thẹn ấy tôn cao nhân cách con người. Nỗi thẹn ấy đốt lên trong lòng người ngọn lửa của khát vọng vươn tới cái cao cả, lớn lao.
- Qua nỗi thẹn, thấy được tấm lòng tận trung báo quốc của Phạm Ngũ Lão.
Tác giả sử dụng điển Vũ hầu Gia Cát Lượng vì giữa Phạm Ngũ Lão và Gia Cát Lượng có những điểm tương đồng. Hai người tương đồng về nguồn gốc xuất thân: cùng xuất thân từ đời thường, bình dị (Gia Cát Lượng là người ở ẩn nơi lều tranh, Phạm Ngũ Lão là người đan sọt làng Phù Ủng); tương đồng về hưởng ơn tri ngộ của bậc minh chủ và của triều đình (Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng ra giúp cơ đồ nhà Hán. Gia Cát Lượng được Lưu Bị rất tin dùng, được phong làm Thừa tướng, tước Vũ hầu. Trần Quốc Tuấn đón nhận Phạm Ngũ Lão làm gia khách, làm con rể trong nhà. Phạm Ngũ Lão làm đến chức Điện suý, tước Quan nội hầu). Chính vì vậy cả hai đều tận trung báo đáp công ơn của triều đình.
Dùng điển Vũ hầu Gia Cát Lượng, phải chăng là một cách để Phạm Ngũ Lão bày tỏ tấm lòng mình tận trung với nước, với vua ?
3. Anh (chị) hãy phân tích và chứng minh Tỏ lòng là bài thơ vừa ngắn gọn, súc tích, vừa truyền cảm bởi những hình ảnh có sức gợi tả mạnh mẽ.
Trả lời:
Tỏ lòng đúng là bài thơ ngắn gọn, đạt tới độ súc tích cao.
- Đây là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, vẻn vẹn chỉ có 28 chữ nhưng đã nói lên được hào khí Đông A với sức mạnh của quân đội thời Trần ; thể hiện được cả chí và tâm, cả tài năng và nhân cách của Phạm Ngũ Lão.
- Từ ngữ cô đọng mà hình ảnh lại có sức gợi tả mạnh mẽ, sức truyền cảm lớn. Trang nam nhi thời Trần mang lí tưởng lớn lao, cao cả ; tầm vóc, tư thế, hành động thật kì vĩ:
Múa giáo non sông trải mấy thu.
Câu thơ nguyên tác: "Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu" dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo (hoành sóc) mà trấn giữ đất nước. Cây trường giáo ấy như phải đo bằng chiều ngang của non sông. Con người xuất hiện với một tư thế hiên ngang mang tầm vóc vũ trụ.
Bối cảnh làm nổi bật hình ảnh con người kì vĩ là không gian và thời gian kĩ vĩ. Không gian mở ra theo chiều rộng của núi sông, mở lên theo chiều cao đến tận sao Ngưu thăm thẳm. Thời gian đâu phải là chốc lát mà là mấy năm rồi (kháp kỉ thu).
Cùng với sức mạnh của con người là sức mạnh của thời đại, của dân tộc :
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Hình ảnh "ba quân" nói về quân đội nhà Trần đồng thời tượng trưng cho sức mạnh dân tộc. Thủ pháp nghệ thuật so sánh vừa cụ thể hoá sức mạnh vật chất của ba quân (Ba quân mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu), vừa hướng tới sự khái quát hoá sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông A (khí mạnh nuốt trôi trâu). Câu thơ gây ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan và cảm nhận chủ quan, giữa hiện thực và lãng mạn.
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến Lớp 10 cùng thầy cô giáo giỏi tại Tuyensinh247.com, Cam kết giúp học sinh học tốt, bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục