Loading [Contrib]/a11y/accessibility-menu.js
Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu Ngữ Văn lớp 11 Kết nối tri thức tập 1

Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Trình bày báo cáo nghiên cứu kinh thành Thăng Long và Lịch sử, văn hóa, xã hội và giáo dục người Chăm ở Việt Nam.

Câu hỏi 1 (trang 149 SGK Ngữ Văn 11 Tập 1 - KNTT): Trình bày báo cáo nghiên cứu kinh thành Thăng Long và Lịch sử, văn hóa, xã hội và giáo dục người Chăm ở Việt Nam.

Lời giải:

Bài tham khảo 1:

Chào thầy, cô và các bạn,

Như mọi người đã biết, kiến trúc kinh thành, cố đô phong kiến ở Việt Nam luôn mang theo cái gì đó rất chung và rất riêng với văn hóa kiến trúc của Trung Hoa và nó luôn thể hiện nét đẹp truyền thống, văn hóa lịch sử lâu đời của người Việt. Bên cạnh quần thể kiến trúc Cố đô Huế từ xưa, người Việt vẫn luôn tự hào với kiến trúc thành Thăng Long – tòa thành đã trải qua biết bao năm tháng của lịch sử. 

Như chúng ta đã biết, kinh thành Thăng Long luôn được gắn với một sự kiện lịch sử nổi tiếng đó là vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng kinh thành Thăng Long. Cùng với đó là hàng loạt các cung điện, lăng tẩm được xây dựng, nổi bật là công trình Điện Kính Thiên cao tới 2 tầng rộng hơn 2300 mét vuông. Thời Hậu Lê, thành Thăng Long vẫn được coi là kinh đô, trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước. 

Về vị trí, kinh thành Thăng Long tọa lạc ở phía Bắc Việt Nam và được giảm dần về diện tích qua các triều đại. Ở thời Hậu Lê, hầu như không xây dựng thêm các chùa tháp mà chủ yếu là trùng tu. Thay vào đó, hàng loạt phủ đệ mới của giới quý tộc, quan lại trung ương được xây dựng, tạo ra hình ảnh một kinh thành Thăng Long đầy quyền uy, thâm nghiêm. 

Về kiến trúc, trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta. Hiện tại, trong khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long - Hà Nội còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…

Kinh thành Thăng Long từ thời Lý được xây dựng theo cấu trúc ba vòng thành, gọi là “tam trùng thành quách”: vòng thành ngoài là La thành hay Đại La thành, vòng thành giữa là Hoàng thành (thời Lý - Trần - Lê gọi là Thăng Long thành, thời Lê còn gọi là Hoàng thành) và vòng thành trong cùng gọi là Cấm thành (hay Cung thành). Cấm thành từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 hầu như không thay đổi và còn bảo tồn cho đến nay hai vật chuẩn rất quan trọng: Thứ nhất là nền điện Kính Thiên xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Đó vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ - Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ 15. Thứ hai là cửa Đoan Môn, cửa Nam của Cấm thành thời Lý - Trần - Lê. Trên vị trí này hiện nay vẫn còn di tích cửa Đoan Môn thời Lê.

Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), trong sách Đại Việt địa dư chí toàn biên có đoạn mô tả khá rõ ràng về Hoàng thành Thăng Long thời Lê: “Ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Vạn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An, ở giữa có Ngọc Giản. Trong Hoàng thành và ngoài Cung thành ở phía Đông là Thái Miếu, sau là Đông Cung”.

Để giúp thế hệ sau và bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cùng Hoàng thành Thăng Long, đêm tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã được tổ chức thành công. Đây không chỉ là một sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch mà nó còn là cách để thế hệ sau tôn vinh, tự hào về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. 

Trải qua thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thuộc địa… Kinh thành Thăng Long vẫn nằm đó như một minh chứng trường tồn của lịch sử, về một thời huy hoàng đã qua đi của dân tộc. Chúng ta – thế hệ con cháu phải biết bảo tồn, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của Hoàng thành đến thế hệ tương lai và bạn bè quốc tế. 

Dưới đây là một số nguồn tham khảo để em có thể hoàn thiện bản báo cáo của mình: 

1. TTXVN (2010), Thăng Long thời Lê, thời Mạc-Lê, Trung Hưng (1428-1788), Ban Tuyên giáo Trung ương. 

2. Sở Du lịch Hà Nội (2020), Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Cổng thông tin điện tử Quận Ba Đình – Thành phố Hà Nội.

3. Quang Dương (2018), Hoàng thành Thăng Long – Dấu ấn văn hóa, kiến trúc độc đáo, Báo Xây dựng. 

Trên đây là toàn bộ phần trình bày báo cáo của em, cảm ơn thầy, cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. 

Bài tham khảo 2:

Lịch sử, văn hóa, xã hội và giáo dục người Chăm ở Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, lịch sử vương quốc Champa đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, công bố thành sách, tạp chí. Sau năm 1975, xuất hiện các tác giả Việt Nam, không dừng lại ở việc tìm tòi, bổ sung thêm tư liệu mà còn khám phá ra cái mới như lắp vào khoảng thiếu sót của các nhà nghiên cứu tiên phong chưa làm được. Những công trình về sau đã đi vào từng mảng, lĩnh vực thuộc đời sống, văn hóa, xã hội, lễ hội đến sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. 

2. Giải quyết vấn đề

Trước hết, là những ghi chép về Champa trong lịch sử Trung Quốc được tìm thấy trong bộ sử Hán thư, Lương sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử… Các nhà nghiên cứu đều dựa vào những nguồn sử liệu này để dựng lại lịch sử Lâm Ấp-Hoàn Vương-Chiêm Thành. Những tư liệu của Trung Quốc viết về phong tục tập quán của người Chăm xưa không có tính hệ thống, rời rạc và sơ sài, nhiều khi thiếu chính xác. Kế đến là những nghiên cứu, khảo sát thực địa của người Pháp. Tư liệu cổ nhất của người Châu Âu viết về người Chăm có lẽ là của một người gốc Italia tên là Marco Polo. Ông làm quan dưới triều đại Mông-Nguyên của Hốt Tất Liệt. Năm 1298, sau một lần được cử đi làm sứ giả ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Champa, ông đã ghi chép khá tỉ mỉ về người Chăm và đời sống của họ trong cuốn Lelivre de Marco Polo (cuốn sách của Marco Polo) (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Vào thế kỉ XIV,  một số linh mục đi truyền giáo đã đến Champa. Linh mục Odoric de Pordennone có ghi chép về phong tục, tập quán của người Chăm trong cuốn sách Những cuộc viễn du sang châu Á xuất bản tại Paris.

Những tư liệu lịch sử của Việt Nam liên quan đến Chiêm Thành có thể tìm thấy trong Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư và một số sử liệu của các triều đại Việt Nam từ Lý-Trần đến triều Nguyễn. Nhưng những sử liệu nói trên chủ yếu nói về việc triều cống, giao tranh, hòa hiếu  (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Mặc dù vậy, đó là những ghi chép thành văn chính thống rất quan trọng để đối chiếu với ghi chép trên văn bia của Champa. Trần Quốc Vượng chủ biên cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (2008) đã dành một phần nói về không gian vùng văn hóa Trung Bộ, chủ yếu đề cập về không gian văn hóa Chăm ở khu vực này. Cuối cùng, là Trương Sỹ Hùng với tác phẩm Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á (2010), phân tích yếu tố Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo Chăm. Từ đó, làm nổi bật lên đặc điểm, vai trò trong sáng tác văn chương của người Chăm  trong tác phẩm Deva Mưnô, Inra Patra, Ariya Cam – Bini,… Trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam (2004) tác giả Huỳnh Công Bá đã dành hai chương để trình bày về quá trình giành độc lập của Champa, phân tích những đặc điểm cơ bản về thể chế chính trị, đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình hội nhập của người Chăm vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Phan Thành Long chủ biên công trình Lí luận giáo dục (2010), nội dung chính của cuốn sách trình bày về quá trình giáo dục, nguyên tắc giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Đây là vấn đề có tính chất lí luận mà khi nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục không thể bỏ qua.

3. Kết luận

Tóm lại, các công trình nghiên cứu về lịch sử và nền văn minh Champa được xuất bản thành sách, báo và tạp chí rất đa dạng và phong phú, được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu  nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Nhưng chưa có công trình khảo cứu nào đề cập đến vấn đề giáo dục của người Chăm trong lịch sử  mang tính chất hệ thống và đầy đủ. Ngay cả, hình thức học tập và sinh hoạt nội trú của học sinh người Chăm nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung hiện nay cũng chưa có sự quan tâm, chú ý nhiều từ các nhà  khoa học và các nhà quản lý giáo dục. Việc tổng luận các công trình nghiên cứu về người Chăm ở Việt Nam chưa phải là bảng thống kê đầy đủ các tác giả cũng như tác phẩm, mà chỉ phản ánh một phần giúp độc giả có cái nhìn tổng quát những hiểu biết về văn hóa Chăm.

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Bài viết liên quan