Câu 1: Lời đề từ "bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài":
- Hai chữ bâng khuâng thể hiện được nỗi niềm của nhà thơ: cảm giác bâng khuâng trước Tràng Giang rộng lớn.
- Trời rộng được nhân hóa nhớ sông dài hay chính là ẩn dụ cho nỗi nhớ của nhà thơ.
Có thể nói Tràng Giang đã triển khai một cách tập trung cảm hứng nêu ở câu đề từ.
Câu 2:
- Âm điệu chung của bài thơ là âm điệu buồn lặng lẽ, bâng khuâng, man mác da diết, sầu lặng. Nổi bật trong suốt bài thơ là âm điệu buồn - đều đều, dập dềnh như sông nước ở trên sông, vừa lai âm điệu trong lòng thi nhân khi đứng trước cảnh Tràng Giang lúc chiều xuống.
- Chủ yếu là nhịp thơ 3 - 4 tạo ra âm điệu đều đều. Âm điệu tựa như dập dềnh trên sông và sóng biển.
- Sự luân phiên BB/ TT/ BB - TT/ BB/ TT, nhưng lại có những biến thái với việc sử dụng nhiều từ láy nguyên với sự lặp lại đều đặn tạo âm hưởng trôi chảy triền miên cùng nỗi buồn vô tận trong cảnh vật và hồn người.
Câu 3:
- Bài thơ tạo dựng được một bức tranh thiên nhiên cổ kính, hoang sơ:
+ Không gian: mênh mông, bao la, rộng lớn (Trời rộng sông dài).
+ Cảnh vật hiu quạnh, hoang vắng, đơn lẻ, hiu hắt buồn.
+ Hình ảnh ước lệ thường dùng trong thơ cổ: Tràng Giang; thuyền về, nước lại; nắng xuống, trời lên; sông dài, trời rộng; mây đùng núi bạc; bóng chiều; vời con nước; khói hoàng hôn; ...
- Cổ kính, trang nghiêm, đậm chất Đường thi, nhưng Tràng Giang vẫn là một bài thơ rất Việt Nam, rất gần gũi và thân thuộc: dòng sông sóng lượn, con thuyền xuôi mái chèo, cành củi khô, tiếng làng xa vãn chợ chiều, ... . Hình ảnh, âm thanh giản dị, thanh đạm của cuộc sống, con người Việt Nam.
- Sự hòa quyện của hai hệ thống hình ảnh vừa cổ điển, vừa gần gũi thân thuộc nêu trên tạo cho bài thơ một vẻ đẹp độc đáo: đơn sơ mà tinh tế, cổ điển mà quen thuộc.
Câu 4:
Trước Huy Cận đã có không ít các nghệ sĩ bày tỏ lòng yêu nước một cách xa xôi, bóng gió qua thơ văn như Gánh nước đêm của Trần Tuấn Khải, Thề non của Tản Đà, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, ... . Ở bài thơ này, nỗi buồn khi giang sơn bị mất chủ quyền đã hòa vào nỗi bơ vơ trước tạo vật thiên nhiên hoang vằng và niềm thiết tha với thiên nhiên tạo vật ở đây cũng là niềm thiết tha với quê hương đất nước.
Và thực tế, xét ở một phương diện nào đó thì Tràng Giang đúng là một bài thơ "ca hát non sông đất nước; do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc" (Xuân Diệu).
Câu 5: Tràng Giang có nhiều nét đặc sắc nghệ thuật:
- Thể thơ thất ngôn trang nghiêm, cổ kính, với cách ngắt nhịp quen thuộc tạo nên sự cân đối, hài hòa. Thủ pháp tương phản được sử dụng triệt để: hữu hạn/ vô hạn; nhỏ bé/ lớn lao; không/ có; ...
- Sử dụng thành công các loại từ láy: láy âm (Tràng Giang, đìu hiu, chót vót, ...), láy hoàn toàn (điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn, ...). Các biện pháp tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, ...
LUYỆN TẬP
Câu 1: Cảm nhận về không gian và thời gian trong bài thơ:
- Không gian: rộng lớn, mênh mang sóng nước, từ chiều dọc không gian mở ra chiều ngang, lan tỏa đôi bờ. Chiều thứ ba của không gian vũ trụ mở ra bầu trời sâu chót vót. Cả ba chiều không gian đều không có giới hạn, tất cả thấm sâu nối buồn nhân thế, nỗi cô đơn của nhà thơ.
- Thời gian từ hiện tại về quá khứ xa xôi. Rồi từ dòng sông về thời tiền sử, nhà thơ trở về hiện tại để tìm điểm tựa tinh thần ở quê hương, đất nước.
Câu 2:
Câu thơ cuối "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" gợi nhớ hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Bên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)
(Tản Đà dịch)
Cũng nói về khói sóng trong buổi hoàng hôn, cũng gợi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng lại có sự khác biệt tiêu biểu cho thơ cũ, thơ cổ điển và thơ mới, thơ hiện đại. Thơ cũ tả cảnh ngụ tình, cảnh vật khơi gợi tâm trạng. Thơ mới, thơ của cái tôi nội cảm, không cần mượn tới ngoại cảnh mà vẫn tự biểu hiện với những cung bậc cảm xúc thiết tha.
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến Lớp 11 cùng thầy cô giáo giỏi trên Tuyensinh247.com. Bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng. Cam kết giúp học sinh lớp 11 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan