Câu 1.
Ba văn bản đọc trong bài (Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, Yêu và đồng cảm, Chữ bầu lên nhà thơ) đã giúp bạn hiểu được gì về đặc điểm nội dung và hình thức của văn nghị luận?
Phương pháp:
- Đọc lại ba văn bản Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, Yêu và đồng cảm, Chữ bầu lên nhà thơ.
- Chú ý những đặc điểm về nội dung và hình thức của ba văn bản trên.
- Nêu những đặc điểm nội dung và hình thức của văn nghị luận.
Trả lời:
- Đặc điểm nội dung: Văn bản nghị luận bàn luận về những giá trị tư tưởng trong đời sống hoặc một vấn đề thuộc phạm trù văn học nghệ thuật, nêu lên những nhận xét, đánh giá về con người, thời đại.
- Đặc điểm nghệ thuật
+ Hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ.
+ Kết hợp giữa nghị luận với biểu cảm và tự sự để làm tăng hiệu quả thuyết phục
+ Vừa có những đánh giá khách quan, vừa thể hiện được quan điểm riêng của ngời viết
Câu 2.
Theo bạn, trong văn nghị luận, yếu tố tự sự có thể sử dụng ở những trường hợp nào và với mức độ ra sao?
Phương pháp:
- Ôn tập lại kiến thức về văn nghị luận, yếu tố tự sự trong văn nghị luận.
- Chú ý vào các yếu tố tự sự được sử dụng trong ba văn bản nghị luận đã học.
- Nêu các trường hợp có thể sử dụng yếu tố tự sự trong văn nghị luận và chỉ ra mức độ sử dụng yếu tố tự sự.
Trả lời:
- Có thể sử dụng yếu tố tự sự trong văn nghị luận, tuy nhiên nên sử dụng với mực độ hợp lý để phù hợp với vấn đề bàn luận. Có thể đưa yếu tố tự sự vào phần mở đầu để dẫn dắt vào vấn đề nghị luận hoặc sử dụng làm dẫn chứng để phân tích vấn đề. Không nên sử dụng quá nhiều yếu tố tự sự, bài nghị luận sẽ trở thành một bài kể và mất đi tính thuyết phục.
Câu 3.
Hãy lập bảng hoặc sơ đồ tư duy để so sánh các văn bản trong bài theo một số điểm gợi ý sau: luận đề; cách triển khai luận điểm; cách nêu lí lẽ và bằng chứng; lí do chọn cách triển khai luận điểm và nêu lí lẽ, bằng chứng; …
Phương pháp:
- Đọc lại ba văn bản Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, Yêu và đồng cảm, Chữ bầu lên nhà thơ.
- Chú ý cách triển khai luận điểm, lí lẽ và bằng chứng của ba văn bản đã học để lập bảng hoặc sơ đồ tư duy để so sánh các văn bản trong bài.
Trả lời:
|
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia |
Yêu và đồng cảm |
Chữ bầu lên nhà thơ |
Luận đề |
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia |
Yêu và đồng cảm |
Chữ bầu lên nhà thơ |
Cách triển khai luận điểm |
Luận điểm 1:Tầm quan trọng của việc trọng hiền tài, chính sách khuyến khích người hiền tài Luận điểm 2: Ý nghĩa của việc khắc bia tiến sĩ
|
+ LĐ 1: Giới thiệu vấn đề nghị luận + LĐ 2: Góc nhìn riêng về sự vật của người nghệ sĩ + LĐ 3: Đồng cảm là một phẩm chất quan trọng ở người nghệ sĩ + LĐ 4: Biểu hiện của sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật + LĐ 5: Bản chất của trẻ em là nghệ thuật + LĐ 6: Ý nghĩa của việc đặt tình cảm vào tác phẩm nghệ thuật |
-LĐ1: chữ trong sáng tác của nhà thơ mang giá trị riêng -LĐ2: quan niệm về cách sáng tạo của nhà thơ -LĐ3: Con đường thơ chính là số phận của một nhà thơ. |
Cách nêu lý lẽ và bằng chứng |
Nêu lí lẽ trước, sau đó nêu bằng chứng. Lí lẽ khẳng định việc nhà nước rất coi trọng hiền tài và dẫn chứng là những việc các bậc thánh vương đã làm và sẽ làm để đãi ngộ hiền tài. |
Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng đan xen. Tác giả lựa chọn mở đầu bằng một câu chuyện và dẫn dắt vào vấn đề, trình bày lí lẽ và đưa ra bằng chứng là cách nhìn nghệ thuật của người hoạ sĩ so với nhà khoa học, bác làm vườn, chú thợ mộc. So sánh cách nhìn nhận sự vật của trẻ em và nghệ sĩ. |
Tác giả sử dụng lý lẽ là những đánh giá, nhận xét của cá nhân về vấn đề bàn luận và đưa ra dẫn chứng là những trích dẫn của những nghệ sĩ khác như: Va-lê-ri, Tôn-xtoi, Trang Tử, Lý Bạch, Xa-a-đi, Tago, Gớt, Pi-cát-xô, ...... |
Lý do chọn cách triển khai luận điểm và nêu lí lẽ, bằng chứng |
Triển khai luận điểm theo cách diễn dịch, sử dụng chủ yếu thao tác lập luận bình luận nhằm trình bày rõ ràng, trung thực về vấn đề nghị luận, đồng thời đề xuất những nhận định của bản thân. |
Cách triển khai luận điểm trong mỗi đoạn văn linh hoạt, đoạn văn trước là tiền đề để làm nổi bật đoạn văn sau. Sử dụng các thao tác lập luận bình luận, so sánh nhằm thể hiện những quan điểm khác nhau về vấn đề bàn luận. |
Triển khai lập luận theo cách quy nạp, đưa ra những quan điểm cá nhân, mỗi luận điểm là một khía cạnh của vấn đề và sử dụng dẫn chứng là trích dẫn những nghệ sĩ nổi tiếng để tăng tính thuyết phục. |
Câu 4.
Thảo luận nhóm về cách nhận diện đặc điểm riêng của văn bản nghị luận xã hội
Phương pháp:
- Ôn lại các đặc điểm của văn bản nghị luận.
- Học sinh tự tìm hiểu, thảo luận về cách nhận diện đặc điểm riêng của văn bản nghị luận.
Trả lời:
- Đặc điểm riêng của văn bản nghị luận xã hội:
+ Bàn luận về những vấn đề xã hội: đạo đức, tư tưởng, phẩm chất, quan niệm, thói quen của con người, một hiện tượng nổi bật trong cuộc sống cần được loại bỏ hoặc phát huy,....
+ Nghị luận xã hội gồm 2 dạng: nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về hiện tượng đời sống. Trong đó, người viết cần nêu những lí lẽ như: giải thích vấn đề bàn luận, chỉ ra nguyên nhân, hậu quả, biện pháp đối với vấn đề đó và đưa ra bài học nhận thức chung, cá nhân.
+ Dẫn chứng trong nghị luận xã hội phải là những bằng chứng có thực ngoài đời, đều được mọi người biết đến.
Câu 5.
Tìm đọc thêm một số văn bản nghị luận đề cập những vấn đề có liên quan tới nội dung các văn bản đã học trong bài. Chú ý xác định quan hệ kết nối giữa các văn bản và tập hợp chúng vào các nhóm có đặc điểm nội dung hoặc hình thức gần gũi (ví dụ: nhóm văn bản bàn về việc trọng dụng nhân tài, nhóm văn bản bàn về những vấn đề cơ bản của sáng tạo nghệ thuật, …)
Phương pháp:
Học sinh tự tìm đọc thêm một số văn bản nghị luận đề cập những vấn đề có liên quan tới nội dung các văn bản đã học trong bài.
Trả lời:
- Nhóm văn bản bàn về việc trọng dụng nhân tài: Chiếu cầu hiền (Ngô Thì Nhậm), Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Thân Nhân Trung),...
- Nhóm văn bản bàn luận về sáng tạo nghệ thuật: Yêu và đồng cảm (Phong Tử Khải), Chữ bầu lên nhà thơ (Lê Đạt), Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh), Tiếng nói của văn nghệ (Nguyễn Đình Thi), Nhà thơ và thế giới (W.Szymborska), Thơ còn tồn tại được không (E.Montale),...
- Nhóm văn bản bàn luận về tiếng Việt: Sự giàu đẹp của tiếng Việt (Đặng Thai Mai), Tiếng mẹ đẻ, nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức (Nguyễn An Ninh),...
Sachbaitap.com
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục