Duy nhất từ 08-10/01
Giờ
Phút
Giây
1. Nêu những đặc điểm cơ bản của thể cáo. Những đặc điểm cơ bản đó được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Nước Đại Việt ta ?
Trả lời:
Đọc phần Chú thích (*) về thể cáo trong SGK, trang 67 để nắm được những đặc điểm cơ bản của thể cáo và ,sự vận dụng của Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô đại cáo. Có thể làm bài tập này bằng cách lập bảng sau :
Đăc điểm của thể cáo |
Dẫn chứng trong Nước Đại Việt ta |
- Chức năng của thể cáo là tuyên ngôn hoặc tổng kết một vấn đề, một sự kiện. |
- Đoạn mở đầu Bình Ngô đại cáo tuyên ngôn về nhân nghĩa, về độc lập dân tộc. |
-Kết cấu gồm bốn phần : nêu luận đề chính nghĩa ; lên án, tố cáo tội ác của lực lượng phi nghĩa ; thuật lại quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của lực lượng chính nghĩa với cảmhứng ngợi ca ; tuyên bố chiến quả, khắng định sự nghiệp chính nghĩa. |
- Đoạn mở đầu Bình Ngô đại cáo nêu luận đề chính nghĩa (nguyên lí nhân nghĩa và chân lí về sự tồn tại độc lập của “nước Đại Việt ta”). |
- Về lập luận, thường có sự kết hợp giữa lí lẽ và chứng cứ thực tiễn, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng. |
- Chứng minh bằng thực tiễn : “Việc xưa xem xét - Chứng cớ còn ghi” ; sử dụng câu văn giàu hình tượng : “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội - Nhơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. |
- Về lời văn, cáo phần nhiều được viết bằng văn biền ngẫu, không có vần hoặc có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau. Cũng có khi thể cáo dùng đan xen tản văn (văn xuôi) với biền văn. |
- Toàn bộ đoạn trích Nước Đại Việt ta được viết bằng văn biền ngẫu, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau : “Núi sông bờ cõi đã chia - Phong tục Bắc Nam cũng khác - Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gấy nền độc lập - Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”. |
2. Nêu cách hiểu của em về hai câu mở đầu đoạn trích Nước Đại Việt ta: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Trả lời:
Hai câu văn cho thấy mục đích của việc làm nhân nghĩa là để “yên dân”, tức đem lại cuộc sống thái bình cho người dân, mục đích của đội quân Lam Sơn là tiễu trừ kẻ có tội. Nguyễn Trãi đã biết chắt lọc lấy cái hạt nhân cơ bản, tích cực nhất của tư tưởng nhân nghĩa khi xác định : “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Đặt trong hoàn cảnh Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo thì dân mà tác giả nói tới là người dân nước Đại Việt đang bị xâm lược, còn kẻ bạo tàn là giặc Minh cướp nước. Để “yên dân” thì phải “trừ bạo”, tức là phải đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành lại đất nước. Như vậy, nhân nghĩa là phải chông xâm lược, chống xâm lược chính là nhân nghĩa. Ở Nguyễn Trãi, tư tưởng nhân nghĩa có sự kết hợp với tư tưởng yêu nước, thương dân, chống xâm lược. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định : “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân : cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân”. (Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, báo Nhân dân, ngày 19/9 /1962).
3. Trên cơ sở so sánh với bài thơ Sông núi nước Nam, hãy chỉ ra sự tiếp nối và phát triển của ý thức độc lập dân tộc trong bài Bình Ngô đại cáo.
Trả lời:
Bài thơ Sông núi nước Nam được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Tiếp đó, bài Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai. So với Sông núi nước Nam, ý thức dân tộc trong Bình Ngô đại cáo (qua đoạn trích Nước Đại Việt ta) có sự tiếp nối và phát triển toàn diện hơn, sâu sắc hơn nhiều trong thời kì lịch sử mới của dân tộc.
Toàn diện vì nếu ý thức dân tộc trong Sông núi nước Nam được xác định trên hai yếu tố lãnh thổ và chủ quyền thì đến Bình Ngô đại cáo lại có những yếu tố cơ bản nữa được bổ sung : văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử. Ở Sông núi nước Nam, tác giả đã khẳng định Đại Việt hoàn toàn độc lập với Trung Quốc về lãnh thổ : "Vằng vặc sách trời chia xứ sở" (Tiệt nhiên định phận tại thiên thư) và về chủ quyền : "Sông núi nước Nam, Nam đế chủ” (Nam quốc sơn hà Nam đế cứ). Trong quan niệm của người Trung Quốc xưa, vương là vua chư hầu, làm chủ một địa phương, còn đế mới là vua thiên tử, chúa tể cả thiên hạ. Vương có nhiều còn đế chỉ một, đế là duy nhất. Đế là ngôi vị tối thượng, vương là bậc dưới của đế. Khẳng định "Nam đế" làm chủ Nam quốc là để đối lập với "Bắc đế", để phủ nhận tư tưởng "trời không có hai mặt trời, đất không có hai hoàng đế" của phong kiến phương Bắc. Đến Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi vẫn tiếp tục khắng định Đại Việt độc lập về lãnh thổ : ("Núi sông bờ cõi đã chia"), độc lập về chủ quyền ("Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương"). Tuy nhiên, ý thức dân tộc ở Bình Ngô đại cáo toàn diện hơn khi tác giả bổ sung thêm những yếu tố quan trọng, rất cơ bản : văn hiến riêng ("Vốn xưng nền văn hiến đã lâu") ; phong tục tập quán riêng ("Phong tục Bắc Nam cũng khác") ; lịch sử riêng ("Từ Triệu, Đinh / Lí, Trần bao đời gây nền độc lập").
Ý thức dân tộc ở Bình Ngô đại cáo sâu sắc bởi vì trong quan niệm về dân tộc, Nguyễn Trãi đã ý thức được văn hiến và truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhât, là hạt nhân để xác định dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà khi khăng định độc lập dân tộc, Nguyễn Trãi đã đưa yếu tố văn hiến lên đầu tiên. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại đặt sóng đôi, ngang hàng lịch sử các triều đại Việt Nam với các triều đại Trung Quốc : "Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập - Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương". Tác giả khẳng định "Nam đế" làm chủ Nam quốc không phải bằng "thiên thư" (sách trời) mà bằng thực tế lịch sử. Đó là bước tiến trong ý thức của thời đại, đồng thời cũng thể hiện tầm cao tư tưởng của Nguyễn Trãi.
4. Phân tích trình tự lập luận trong đoạn trích Nước Đại Việt ta.
Trả lời:
Bình Ngô đại cáo là mẫu mực về kết cấu chặt chẽ, lập luận đanh thép, sắc bén. Phần mở đầu bài cáo (đoạn trích Nước Đại Việt ta), Nguyễn Trãi nêu lên tư tưởng nhân nghĩa : "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Khi nêu tư tưởng nhân nghĩa, tác giả làm nổi bật hai nội dung cốt lõi: "yên dân" và "trừ bạo". Tiếp đến bài cáo khẳng định chân lí về sự tồn tại độc lập từ lâu của nước Đại Việt : "Như nước Đại Việt ta từ trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...". Chân lí này được khẳng định theo trình tự : văn hiến, lãnh thổ, phong tục, lịch sử, truyền thống anh hùng hào kiệt, chủ quyền dân tộc. Cách nêu tiền đề bằng những chân lí như vậy đã tạo cơ sở lí luận chắc chắn, chỗ dựa cho việc triển khai lập luận ở những phần sau.
Sau khi khăng định chân lí hiển nhiên - nước Đại Việt vốn là một nước độc lập từ lâu, tác giả đã kể ra một loạt chiến công hiển hách trong chiến đấu bảo vệ độc lập của dân tộc trong trường kì lịch sử, khiến cho những kẻ xâm lược đều lần lượt chuốc lấy bại vong thảm hại. Từ Lưu Cung nhà Nam Hán, Triệu Tiết nhà Tống, Toa Đô và Ô Mã Nhi nhà Nguyên,... những tên danh tướng của các triều đại phong kiến phương Bắc ấy khi xâm phạm bờ cõi Đại Việt thì đều bị hoặc “mát vía”, “tiêu vong”, hoặc bị “giết tươi”, “bắt sống”,... Đó là những chứng cứ hùng hồn, sử sách còn ghi, càng khẳng định mạnh mẽ cái chân lí lớn về nền độc lập của nước Đại Việt.
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục