Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Ôn tập tác phẩm trữ tình (tiếp theo) SBT Ngữ Văn 7 tập 1

Bình chọn:
4 trên 2 phiếu

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 137 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. So sánh tình huống thể hiện tình bạn và cách thể hiện tình cảm đó ở bài thơ Bạn đến chơi nhà (SGK, trang 104) và đoạn trích đọc thêm ở bài Khóc Dương Khuê (SGK, trang 106) của Nguyễn Khuyến.

Bài tập

1. So sánh tình huống thể hiện tình bạn và cách thể hiện tình cảm đó ở bài thơ Bạn đến chơi nhà (SGK, trang 104) và đoạn trích đọc thêm ở bài Khóc Dương Khuê (SGK, trang 106) của Nguyễn Khuyến.

2. Câu 3*, trang 193, SGK.

3. Đặt vào văn cảnh để phân tích giá trị biểu cảm của những câu văn miêu tả sau đây trong bài Cuộc chia tay của những con búp bê.

   “Anh em tôi dẫn nhau ra đường. Em nắm chặt tay tôi và nép sát vào như những ngày còn nhỏ. Chúng tôi đi chầm chậm trên con đường đất đỏ quen thuộc của thị xã quê hương. Đôi lúc, đột nhiên em dừng lại, mắt cứ nhìn đau đáu vào một gốc cây hay một mái nhà nào đó, toàn những cảnh quen thuộc trên con đường chúng tôi đã đi lại hàng nghìn lần từ thuở ấu thơ.

   Gần trưa, chúng tôi mới ra đến trường học”.

4. Câu 4, trang 193, SGK.

5. Hãy phân tích giá trị biểu cảm của câu văn sau đây trong đoạn trích Mùa xuân của tôi của Vũ Bằng : “Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến” (SGK, trang 175).

 

Gợi ý làm bài

1. - Một bên là cảnh vui (bạn đến chơi nhà), một bên là cảnh buồn (bạn qua đời), nên một bên, thấp thoáng xuất hiện khắp toàn bài thơ một nụ cười hóm hỉnh, một bên chữ “khóc” đã xuất hiện ngay trong nhan đề bài thơ.

-  Một bên cố tình tạo nên tình huống không có gì để làm nổi bật cái có duy nhất có thể thay thế tất cả, thiêng liêng hơn tất cả là tình bạn, là sự hiện diện của người bạn lâu ngày đến chơi nhà. Một bên, ngược lại, nhấn mạnh cái gì cũng có, có tiền, do đó có thể có rượu, có ý thơ đã nung nấu trong lòng nhưng rồi tất cả lại hoá thành không vì thiếu mất một điều kiện mà tất cả cái có trong vũ trụ này không thể thay thế là sự tồn tại của người bạn hiền.

-  Có thể nói thêm những thủ pháp riêng biệt để làm nổi bật tình bạn ở mỗi bài như thủ pháp đối, phép tăng cấp ở bài Bạn đến chơi nhà và phép lặp (lặp 6 chữ không, 2 chữ ai, 2 chữ viết) ở đoạn trích Khóc Dương Khuê. Những thủ pháp này đều đã được sử dụng tới mức độ tinh xảo.

2. - Cảnh vật có những yếu tố giống nhau (đêm khuya, ánh trăng, con thuyền, dòng sông,...) nhưng màu sắc khác nhau (một bên yên tĩnh, chìm trong u tối và có phần lạnh lẽo, một bên sống động, tuy có nét huyền ảo, mờ mịt thâm u song cơ bản là trong sáng, cần nhấn mạnh, cái thâm u ở đây càng làm nổi bật sự trong sáng vì con thuyền là đi từ chỗ thâm u (thâm xứ) ra miền đầy ánh sáng).

-  Điểm khác biệt cơ bản là ở chủ thể trữ tình. Một bên là kẻ lữ khách thao thức không ngủ vì nỗi buồn xa xứ (xem lại phần Gợi ý thương thức bài Phong Kiều dạ bạc ở SGK, trang 113), một bên là người chiến sĩ, vị lãnh tụ vừa hoàn thành một công việc trọng đại đối với sự nghiệp cách mạng. Dù tình cảm, cảnh vật được thể hiện trong hai bài có nhiều điểm khác nhau song ở cả hai bài, mối quan hệ giữa cảnh và tình đều rất hoà quyện và việc so sánh một cách toàn diện hai bài vẫn có thể giúp ta hiểu sâu hơn đặc điểm của mỗi bài.

3. - Đặt vào văn cảnh là phải xác định rõ phần được bàn tới nằm ở vị trí nào trong tác phẩm. Đây là những câu văn miêu tả, tường thuật những sự việc, những cảnh vật trên đường hai anh em Thành, Thuỷ đến trường để từ biệt cô giáo, bạn bè, trước khi Thuỷ phải cùng mẹ rời khỏi gia đình, quê hương. Rời khỏi gia đình cũng là từ biệt bố và người anh thân yêu, rời khỏi quê hương cũng là từ biệt tất cả những cảnh vật quen thuộc lần lượt hiện lên trên con đường đi tới trường, rời khỏi trường lớp bạn bè, đối với Thuỷ, cũng là từ giã luôn con đường học tập vì Thuỷ đã biết là sắp tới sẽ không được đi học nữa.

   Đặt trong văn cảnh cũng là phải nắm được mối liên hệ trực tiếp giữa phần phân tích với những câu ngay trước và ngay sau đó. Chẳng hạn, trước khi đến trường, ta thấy Thuỷ đã khóc, Thành đưa khăn cho em lau nước mắt, Thuỷ soi gương, chải tóc và cố trấn tĩnh lại…

-  Cần lưu ý là giá trị biểu cảm ở những câu văn này chủ yếu thể hiện qua những suy tư, cảm xúc, hành động của Thuỷ trên đường đi nhưng cũng đừng quên phân tích giá trị biểu cảm của những câu văn, những hình ảnh thể hiện tình cảm của Thành, vừa với tư cách Tôi, người kể chuyện, vừa với tư cách người anh sắp phải rời xa đứa em yêu dấu.

-  Đây là một trong những đoạn văn khá thành công nên có thể chỉ ra giá trị biểu cảm ở rất nhiều chi tiết, từ hành động Thuỷ nắm chặt tay anh, nép sát vào anh như lúc còn nhỏ, đến tốc độ “chậm chậm” đi đến trường, đến cái nhìn đột nhiên và đau đáu vào những vật vô tri vô giác... Đối với Thuỷ lúc này chẳng có gì là vô tri vô giác cả vì “Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn” mà !

4.  Đọc lại chú thích (★) ở trang 161, SGK để chứng minh rằng chỉ có các đáp án b, c, e là đúng.

5. - Xác định ngữ cảnh. Đây là câu mở đầu của đoạn thứ ba và là một câu có cấu trúc hoàn chỉnh, khác với cụm từ mở đầu đoạn thứ hai chỉ đóng vai trò chủ ngữ : “Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội”.

-  Cậu này không chỉ có cấu trúc hoàn chỉnh mà còn có cấu trúc khá đặc biệt. Có thể chỉ ra giá trị biểu cảm qua việc phân tích cấu trúc đặc biệt ấy.

  + Giá trị biểu cảm thể hiện qua việc sắp xếp trật tự từ trong câu : vị ngữ đẹp quá đi được đặt lên trước chủ ngữ.

  + Sau chủ ngữ và vị ngữ đều có từ cảm thán hoặc mang màu sắc cảm thán : ơi, đi.

  + Sau các danh từ riêng Hà Nội, Bắc Việt, còn có các định ngữ công khai thể hiện quan điểm, tình cảm của người viết : thân yêu, thương mến.

-  Dựa vào chú thích (★) ở trang 175-176 SGK, để nêu rõ câu này không chỉ thể hiện lòng yêu nước thiết tha mà cả tinh thần dũng cảm của tác giả.

-  Bằng việc miêu tả “Mùa xuân của tôi — mùa xuân Bắc Việt — mùa xuân của Hà Nội” (dù chỉ là miêu tả bằng cái “vốn” hồi ức), “mùa xuân” không chỉ là “mùa xuân của đất trời”, mùa xuân của riêng cái tôi Vũ Bằng đang sống ở Sài Gòn nữa, mà đã trở thành một hình ảnh giàu tính biểu tượng, gợi cho người đọc những suy nghĩ, liên tưởng tích cực trong cuộc đấu tranh dân tộc khốc liệt đương thời.

Sachbaitap.com

Bài tiếp theo

Xem lời giải SGK - Soạn văn 7 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 7 trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 7 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Bài viết liên quan