Bài tập
1. Đây là một bài ca dao rất nổi tiếng và quen thuộc với tất cả mọi người :
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Em hãy nêu nhận xét về cách tả hoa sen của tác giả dân gian. Cách tả ấy có tác dụng làm nổi bật nội dung, tư tưởng của bài ca dao như thế nào ?
2. Với đề văn : "Hãy tả lại một cây cổ thụ nào đó mà em đã có dịp quan sát", một bạn định viết bài của mình lần lượt theo các ý như sau :
A - Cây cao vút, tán rộng che kín cả một khoảng trời.
B - Dưới gốc đa diễn ra nhiều sinh hoạt của con người.
C - Đó là cây đa đầu làng em.
D - Thân cây to lớn dễ phải năm người nối vòng tay mới ôm nổi.
Đ - Cành lá rậm rạp xum xuê, toả bóng mát xuống cả một khoảng đất rộng thênh thang.
E - Gốc đa xù xì, có nhiều chiếc rễ trồi cả lên mặt đất như những con trăn đất khổng lồ.
G - Lá đa xanh, quả đa khi chín đỏ thẫm trông lên như có muôn ngàn đốm lửa nhỏ trên vòm lá của cây.
H - Cây đa ấy đã chứng kiến bao sự thay đổi của làng quê, gắn bó với tuổi thơ của em ; dù có đi đâu chăng nữa em vẫn sẽ nhớ về gốc đa làng mình như một kỉ niệm khó quên.
I - Rất nhiều đàn chim rủ nhau đến đây tìm quả chín và bắt sâu, tìm mồi, nhảy múa, hát ca, cãi vã,... huyên náo cả một vùng.
K - Có cả những chùm rễ buông lửng lơ như những tấm lụa màu, lại có nhiều chiếc lớn hơn quấn quít lấy thân cây như hàng trăm con rắn vây quanh.
a) Theo em, các ý trên đây đã nêu bật được những đặc điểm nổi bật của một cây cổ thụ - cây đa chưa, nếu còn thiếu thì thiếu chi tiết nào ?
b) Nếu viết bài lần lượt theo các ý đã nêu thì có được không ? Vì sao ?
c) Nếu cần tổ chức lại bài viết theo các ý đã nêu trên thì em sẽ xây dựng dàn ý cho bài viết của mình như thế nào ? Hãy nêu cụ thể theo từng phần :
- Mở bài : chọn ý nào.
- Thân bài : chọn những ý nào và sắp xếp theo trình tự nào.
- Kết bài : chọn ý nào.
3. Cho đoạn văn sau đây :
Hoạ Mi hót
Mùa xuân ! Mỗi khi Hoạ Mi tung ra những tiếng hót vang lừng, mọi vật như có sự thay đổi kì diệu.
Trời bỗng sáng ra. Những luồng sáng chiếu qua các chùm lộc mới nhú, rực rỡ hơn. Những gợn sóng trên hồ hoà nhịp với tiếng Hoạ Mi hót, lấp lánh thêm. Da trời bỗng xanh xao, những làn mây trắng trắng hơn, xốp hơn, trôi nhẹ nhàng hơn. Các loài hoa nghe tiếng hót trong suốt của Hoạ Mi chợt bừng giấc, xoè những cánh hoa đẹp, bày đủ các màu sắc xanh tươi. Tiếng hót dìu dặt của Hoạ Mi giục các loài chim dạo lên những khúc nhạc tưng bừng, ngợi ca núi sông đang đổi mới.
Chim, mây, nước và hoa đều cho rằng tiếng hót kì diệu của Hoạ Mi đã làm cho tất cả bừng giấc... Hoạ Mi thấy lòng vui sướng, cố hót hay hơn.
( Theo Võ Quảng)
a) Đoạn văn tả Hoạ Mi hót ở trên có ba phần, hãy chỉ ra và tóm tắt ý của mỗi phần (nêu thành dàn ý).
b) Trong đoạn văn trên, tác giả đã miêu tả theo một thứ tự nào ?
c) Nếu miêu tả từ trên cao xuống thì có thể sắp xếp lại ý trong đoạn văn đó không ? Hãy nêu cách em định sắp xếp lại theo ý của mình.
Gợi ý làm bài
1. Cách tả của tác giả dân gian thể hiện ở việc lựa chọn các chi tiết và trình tự miêu tả, sắp xếp các chi tiết đó.
- Hãy đọc kĩ bài ca dao và xem hình ảnh hoa sen trong đó được miêu tả bằng những chi tiết nào, các chi tiết đó đã tiêu biểu và đặc sắc chưa. (Chi tiết tiêu biểu, đặc sắc là chi tiết mà chỉ cần thông qua đó người ta nhận ra ngay được sự vật.)
- Tác giả dân gian đã miêu tả hoa sen theo thứ tự nào ? Tại sao lại lặp lại các chi tiêt ấy, lặp lại có theo trình tự cũ không ? Trình tự ấy có ý nghĩa gì trong việc làm nổi bật nội dung, tư tưởng ?
2. Đoạn văn tham khảo :
Cây đa làng tôi
Ở đầu làng tôi có một cây đa cổ thụ. Cứ như lời các ông già bà cả thì cây này đã có hơn 300 tuổi, mọc đâu từ đời chúa Trịnh Tráng và vua Lê Chân Tông.
Cây cao lớn khác thường, thân cây to đến mấy người ôm, bề cao hàng ba bốn con sào, cánh lá rườm rà, toả ra rợp trời như là một cái tán vĩ đại. Thân cây gồ ghề, khúc khuỷu, da xù xì, có chỗ róc đi từng mảng, thân hơi ngả về phía chái đình, rễ bật lên trồi ra ngoài mặt đất, ấy là kết quả của trận bão hôm mùng ba tháng tám năm Ngọ, cách đây khoảng vài chục năm.
Gốc cây có một cái hốc cây rết lớn, đến hai người chui vào vừa, lòng cây bị ăn ruỗng ra ; thế nhưng cây vẫn sống như thường vì có đến hàng chục rễ phụ nâng hẳn cây lên như lấy cột mà chống đỡ.
Các cành ngang, khúc rồng, khúc rắn đều có rễ như từng chòm râu khổng lồ phất phơ rủ xuống, trẻ con thường hai ba đứa bám vào, co chân đánh đu thật bổng, đủ biết những rễ ấy bền chắc biết ngần nào.
Sáng hay chiều, hàng đàn quạ đánh nhau kêu rộn trong đám lá um tùm. Ban đêm không có trăng sao, tiếng cú rúc lên từng hồi, ai yếu bóng vía nghe đều rợn. Ban ngày, ở góc cây có một bà lão bày một cái chõng bán chè, lại kèm theo cả đỗ lạc, xôi, chuối, bún riêu. Những buổi trưa hè, người làng lên ngồi nghỉ mát ở gốc đa, có người nằm gối đầu vào rễ, úp nón lá lên ngực che ánh nắng mặt trời, có kẻ ghé bên chõng, uống bát nước chè tươi, rít một hơi thuốc lào... Buổi chiều, đôi khi có một ông lão, đầu râu tóc bạc, chống gậy trúc, tay cầm quạt ra cổng làng, đứng dưới gốc cây hóng mát.
Mỗi khi tôi ở tỉnh về thăm nhà, xe tuy còn ở ngoài đường cái, nhưng đã thấy gốc đa thân mến của làng tôi.
(Theo Nghiêm Toản, Việt luận)
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến lớp 6 chương trình mới trên Tuyensinh247.com. Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 6 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục