Bài tập
1. Đọc bài viết sau đây của một bạn học sinh lớp 6 và thực hiện các nhiệm vụ :
a) Nhận xét xem nhân vật ông Bụt trong bài viết này có nét gì giống và có gì khác với ông Bụt trong các truyện cổ tích mà em đã đọc và đã học. Chỉ ra các chi tiết thể hiện sự giống và khác trong bài.
b) Rút ra dàn ý của bài viết này.
c) Bài văn này có liên quan gì đến bài tập làm văn số 7 đã viết ở tuần 28.
Bài làm :
Mỗi khi mơ ước một điều gì đó, thường thì tôi nghĩ đến Tinker Bell - nàng tiên kì diệu xứ Wonder, hoặc nghĩ đến mèo, cún - là những con thú cưng của tôi. Nhưng là người Việt Nam, yêu thích truyện cổ dân gian, đôi lúc tôi cũng nghĩ đến ông Bụt. Mới rất gần đây thôi, tôi vừa gặp Bụt trong giấc mơ êm đềm.
Ông Bụt xuất hiện từ trong màn sương mù trắng xoá, bồng bềnh như bọt bóng xà phòng, vầng hào quang sáng dịu toả ra xung quanh ông như vầng sáng dịu dàng của mặt trăng. Nghĩ đến Bụt là hình dung ra cái gì cũng màu trắng. Bụt luôn là hình ảnh một cụ già râu tóc bạc phơ, ánh lên sắc bạch kim. Phong thái khoan thai ung dung, từ tốn càng như chậm lại và huyền ảo hơn trong trang phục toàn một màu trắng. Bụt là Tiên, mà Tiên tượng trưng cho sự thuần khiết. Màu của sự thuần khiết không phải trắng thì là đen sao ?
Bụt tiến lại gần hơn và dừng lại trước mặt tôi. Nhìn kĩ sao Bụt lại giống ông ngoại tôi thế ! Khuôn mặt dài, vầng trán cao và rộng, sống mũi cao, hơi gồ ; gò má cũng cao và tròn. Râu Bụt cũng dài nhưng dài hơn râu của ông tôi nhiều, và trắng như cước. Đôi lông mày hình vòng cung, ôm đôi mắt cười ấm áp và hiền hậu. Giọng Bụt trầm ấm.
Tôi chào Bụt và bắt đầu kể về những điều ước của tôi và lí do tôi ước chúng. Cái dáng cao quý nhưng hơi còng xuống của ông cứ gật gật đầu mối khi tôi ngắt hết câu. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn thật quen thuộc - vì người già nào cũng thế - cứ giãn ra, co lại theo từng tiếng cười khi ông cười những lí do của tôi. Tôi phàn nàn về đường phố giao thông nguy hiểm, về đất nước lắm rác thải, về người dân còn vô ý thức, về nạn bạo lực học đường, về bạn bè ích kỉ và bí ẩn đến đáng sợ, về ước mơ Ipod do đạt học sinh giỏi xuất sắc, về sự không công bằng giữa các nhóm trưởng với các tổ viên, sự bất công khi cô giáo dạy môn Giáo dục Công dân thích bắt bẻ, về cô dạy Thể dục không rõ ràng trong việc cho điểm, về việc mẹ hay thiên vị cậu em và nhiều điều khác nữa...
Bụt chỉ gật gù. Đôi mắt sáng khác lạ của các vị tiên thỉnh thoảng lại chớp chớp - hệt cái cách ông ngoại tôi mỏi mắt sau khi đọc sách vẫn hay làm. Bàn tay chống gậy gỗ run run, gõ nhẹ vào lớp sương xung quanh. Bàn tay trái xương xương, hồng hào từ tốn vuốt râu. Bụt cười và nói về những vấn đề của tôi. Đại để : cháu nên biết rằng mình may mắn vì vẫn còn đất nước để sống, đường bê tông để đi, còn cô giáo để dạy dỗ, còn bạn bè dù chưa hiểu nhau nhiều nhưng vẫn đoàn kết, và còn mẹ để chăm sóc, yêu thương ,còn em trai để... ghen tức. Tôi chợt hiểu ra Bụt nói đúng. Một lời khuyên thật thấm thía. Nhưng rồi tiếng mẹ đánh thức đã làm Bụt giật mình. "Ông ngoại" mỉm cười vẫy tay chào tôi và biến mất.
Tôi đã hiểu tôi may mắn thế nào khi vẫn đang được sống trong cuộc đời này. Và phải có chút bực tức, mâu thuẫn, tranh cãi thì cuộc sống mới không buồn tẻ, nhàm chán, mới có chuyện để nói, có điều để bận tâm, suy nghĩ,... không phải cứ ước và thành tâm thì điều ước sẽ thành sự thật mà phải tự cố gắng, nỗ lực và tin là đang được Tiên, Bụt giúp thì tự khắc sẽ đạt được điều mong ước bằng chính sức của mình...
(Theo Lê Hạnh - HS lớp 6, Hà Nội)
2.
a) Theo em, nội dung bài văn trên phù hợp với đề bài như thế nào ? Hãy nêu thử đề văn này.
b) Nếu đặt tên cho bài viết, em sẽ đặt tên như thế nào ?
c) Nếu viết về ông Bụt theo trí tưởng tượng của mình thì em sẽ thêm hoặc bớt chi tiết nào so với bài làm trên ?
d) Trong bài viết trên, hãy chỉ ra một câu văn hoặc đoạn văn mà em cho là hay và chỉ ra một câu, một từ ngữ theo em là dùng chưa đúng, chưa hay.
Gợi ý làm bài
1. a) Xem lại gợi ý nêu trong câu 1, Bài 28 trong sách này để xem ông Tiên, ông Bụt trong các truyện cổ tích thường được miêu tả như thế nào. Sau đó đối chiếu với ông Bụt trong bài văn để chỉ ra sự giống và khác nhau.
a) Xem lại nhiệm vụ của mỗi phần lớn trong bài văn miêu tả (Mở bài, Thân bài và Kết bài), từ đó đối chiếu với bài viết nêu trong bài tập để xác định ba phần lớn. Tóm tắt ý lớn của mỗi phần thành một dàn bài. Riêng phần Thân bài có nhiều ý lớn khác nhau nên cần theo dõi những chỗ xuống dòng để xác định các ý lớn cho mỗi đoạn.
b) Xem lại bài văn đã viết cho đề 3 ở bài tập làm văn số 7 (trang 122, SGK) và tìm hiểu yêu cầu của bài tập làm văn số 7 trong sách này (miêu tả sáng tạo).
2. a) và b) HS cần phân biệt đề bài và tiêu đề cho bài văn. Đề bài là đề văn mà các thầy cô giáo thường nêu lên và yêu cầu học sinh viết bài. Một bài văn có thể có nhiều cách nêu đề bài và cũng có thể đặt các tiêu đề khác nhau. Ví dụ tiêu đề cho bài văn trên có thể là :
- Một giấc mơ đẹp
- Ông Bụt và ông ngoại tôi
- Ông Bụt trong giấc mơ của tôi
Tuy vậy, cần suy nghĩ để đề xuất và lựa chọn được cách nêu đề bài và đặt tên phù hợp nhất.
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến lớp 6 chương trình mới trên Tuyensinh247.com. Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 6 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục