Loigiaihay.com 2025

Đã cập nhật bản mới với lời giải dễ hiểu và giải thêm nhiều sách

Xem chi tiết

Soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả SBT Ngữ văn 6 tập 2

Bình chọn:
3.6 trên 47 phiếu

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 11 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 2. 3. Trong bài Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả, nhà văn Tô Hoài có dẫn ra lời của một nhà văn Pháp như sau :

Bài tập

1. Bài tập 4, trang 29, SGK.

2. Bài tập 5, trang 29, SGK.

3. Trong bài Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả, nhà văn Tô Hoài có dẫn ra lời của một nhà văn Pháp như sau :

Một trăm thân cây bạch dương giống nhau cả trăm, một trăm ánh lửa giống nhau cả trăm. Mới nhìn tưởng thế, nhưng nhìn kĩ thì thân cây bạch dương nào cũng khác nhau, ngọn lửa nào củng khác nhau. Trong đời ta gặp bao nhiêu người, phải thấy ra mỗi người mỗi khác nhau không một ai giống ai.

a) Theo em, thông qua câu văn trên, nhà văn Tô Hoài muốn khuyên ta điều gì khi viết văn miêu tả ?

b) Em hãy viết hai đoạn văn tả hai cảnh mặt trời mọc, mỗi cảnh có một vẻ đẹp riêng ; hoặc tả hai khuôn mặt của hai em bé, mỗi em có một vẻ đẹp riêng.

4. Hãy đọc đoạn văn sau đây :

(1) Trời cuối đông, vàng úa nhuộm màu buồn vô hạn. (2) Một luồng gió lạnh thổi qua : mấy chiếc lá rụng. (3) Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. (4) Có chiếc tựa mũi tên nhọn, tự cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng, thản nhiên, không thương tiếckhông do dự vẩn vơ. (5) Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không, rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho chậm tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. (6) Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng, như thầm bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại : cả một thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. (7) Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất, còn cất mình muốn bay trở lại cành. (8) Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại. (9) Mỗi chiếc lá rụng là một cái biểu hiện cho một cảnh biệt li. (10) Vậy thì sự biệt li không chỉ có một nghĩa buồn rầu, khổ sở. (11) Sao ta không ngắm sự biệt li theo tâm hồn một chiếc lá nhẹ nhàng rơi ?

(Theo Khái Hưng)

a) Hãy chỉ ra những câu có so sánh, chép ra vở bài tập những so sánh mà em cho là hay và thú vị.

b) Đâu là lời nhận xét của tác giả trước cảnh lá rơi ?

c) Hãy phân tích cái hay của đoạn văn trên cho biết cách so sánh, liên tưởng đã giúp tác giả diễn tả được điều gì.

5. Đoạn văn tả cảnh lá rơi ở trên có ba phần (mở đầu đoạn, phát triển đoạn và kết thúc đoạn). Hãy lựa chọn câu trả lời đúng, ghi kết quả ra vở bài tập theo kí hiệu chữ cái đứng ở đầu câu trả lời mà em chọn.

a) Mở đầu đoạn :

A - Câu số 1

B - Câu số 1 và câu số 2

C - Từ câu số 1 đến hết câu số 3

D - Từ câu số 1 đến hết câu số 4

b) Phần giữa đoạn :

A - Từ câu số 2 đến hết câu số 7

B - Từ câu số 2 đến hết câu số 8

C - Từ câu số 3 đến hết câu số 8

D - Từ câu số 3 đến hết câu số 9

c) Phần kết đoạn :

A - Từ câu số 8 đến hết câu số 11

B - Từ câu số 9 đến hết câu số 11

C - Từ câu số 10 đến hết câu số 11

D - Câu số 11

Gợi ý làm bài

1Có thể tham khảo một số hình ảnh sau đây để so sánh với các sự vật được nói tới trong bài tập này :

- một quả trứng khổng lồ hoặc một chiếc mâm lửa đỏ rực,...

- một chiếc lồng bàn khổng lồ chụp lên mặt đất hoặc rạng ngời trong vắt như khuôn mặt trẻ thơ sau giấc ngủ,...

- những chiếc ô lớn xanh thẫm đứng nghiêm trang hoặc như bức tường thành đứng nghiêm trang,...

- những đàn voi lớn nối hàng xa tít tắp hoặc những chiếc bát úp khổng lồ chồng chất lên nhau,...

2. Hãy đọc lại đoạn văn miêu tả sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi, chú ý những chỗ tác giả miêu tả sông nước hoặc miêu tả rừng cây xem nhà văn miêu tả như thế nào. Từ đó học cách miêu tả này để viết đoạn văn tả dòng sông hoặc tả khu rừng. Tuy nhiên, không nên phụ thuộc vào đoạn văn của Đoàn Giỏi mà có thể thêm bớt các chi tiết, hình ảnh,... khi miêu tả con sông hoặc khu rừng một cách sáng tạo theo cách của mình. Chẳng hạn miêu tả theo một thứ tự sau :

- Đó là dòng sông / khu rừng nào ?

- Trông xa dòng sông / khu rừng đó như thế nào, giống cái gì ? Lại gần thấy nó như thế nào ? Tìm các chi tiết tả dòng sông / khu rừng...

- Dòng sông / khu rừng đó có gì đặc sắc, nổi bật ?

3. a) Dù tả cảnh hay tả người, cảnh đẹp, người đẹp hay cảnh buồn, người xấu, tả cho hay đều khó. Tả hai cảnh, hai người giống nhau, lại lột tả được những nét đẹp khác nhau của cảnh và người ấy lại càng khó hơn. Dù cái đẹp giống nhau đến mấy cũng vẫn có nét khác nhau. Người tả giỏi là phải làm nổi bật lên vẻ đẹp khác nhau ấy.

b) Đây là hai đoạn tả cảnh mặt trời mọc khác nhau nhưng đều là những đoạn văn tả cảnh hay. HS tham khảo để thực hiện bài tập này.

Đoạn 1 :

Mặt trời mọc

Những tia lửa toả ra ở đằng Đông báo hiệu mặt trời mọc. Đám cháy ngày càng lớn ; chân trời đỏ rực những lửa. Người ta đợi... vầng Thái dương chưa xuất hiện. Mãi sau - chiềng- lửa mới lừng lững nhô lên.

Một điểm sáng như chớp nhoáng tung ra và bao trùm mọi vật trong khoảng đất, trời, tấm màn đen tối bị cuốn hẳn đi. Chúng nhân lại thấy rõ cảnh vật quanh mình có vẻ xinh tươi vì ánh triêu dương tô điểm.

Sau một đêm mát mẻ cây cỏ tăng thêm sinh lực ; nhờ ánh sáng sớm mai và muôn vàn tia sáng soi rọi, hoa lá đượm một màn hương mỏng mảnh, các hạt sương như kim cương lóng lánh phản chiếu trăm sắc ngàn màu.

Loài chim hợp tấu khúc Thái dương thiều để chào đón Đông quân ; lúc ấy không con nào chịu im lặng ; bản nhạc du dương biểu lộ hết sự sảng khoái nhẹ nhàng trong buổi mai êm dịu.

Tất cả sự vật ấy đem lại cho tôi một ấn tượng mát mẻ tràn ngập vào tâm hồn làm cho tôi như mê li vì khoái cảm ; giờ phút này không một ai có thể lãnh đạm trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ, huy hoàng.

(Phỏng theo G. G. Ru-xô, Việt luận)

Đoạn 2 :

Mặt trời mọc 

Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.

(Nguyễn Tuân)

4. c) Đoạn văn trên tuy ngắn nhưng các em thấy có ba phần rất đầy đủ như một bài văn miêu tả hoàn chỉnh. Mở bài giới thiệu sự vật được tả là cảnh lá rụng. Thân bài miêu tả năm cảnh lá rụng theo năm kiểu khác nhau. Kết bài nhân cảnh lá rụng mà rút ra bài học về cuộc sống - nhân sinh. Cái hay và độc đáo trong bút pháp miêu tả của Khái Hưng ở đây là gì ? Thứ nhất, tác giả tả cảnh lá rụng rất sinh động, mỗi chiếc lá rơi theo một kiểu, không chiếc nào giống chiếc nào. Thứ hai, cảnh được tả thấm đẫm tâm trạng, tình cảm và tư tưởng của người viết. Tác giả như thổi hồn vào cho mỗi chiếc lá rơi. Mỗi chiếc có một linh hồn riêng. Năm chiếc lá là năm linh hồn, năm tâm tình, gợi lên năm tâm trạng và cảm giác khác nhau. Chính những so sánh liên tưởng độc đáo đã giúp tác giả thể hiện được một cách sinh động sắc thái riêng của cảnh và tình trong đoạn văn. Thứ ba, kết bài rất bất ngờ, độc đáo. Bất ngờ bởi vì toàn bài đang tả cảnh lá rụng, kết bài đột nhiên chuyển sang nói về tình cảm của con người lúc chia li. Đột ngột mà vẫn chặt chẽ, không rời rạc vì tác giả đã rất khéo chuyển đoạn : Mỗi chiếc lá rụng là một cái biểu hiện cho một cảnh biệt li. Câu kểt nêu dưới dang một câu hỏi cứ xoáy vào lòng người đọc, buộc ta phải trăn trở, nghĩ suy mãi về cảnh lá rơi, mà đâu phải chỉ cảnh lá rụng, lá rơi.

Sachbaitap.com

Xem lời giải SGK - Soạn văn 6 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 6 chương trình mới trên Tuyensinh247.com. Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 6 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Bài viết liên quan