1. Bài tập 1, trang 71, SGK.
Đọc phần tiểu dẫn bài Thơ hai-cư của Ba-sô (Ngữ văn 10, tập một) và thực hiện các yêu cầu sau :
a) Xác định đối tượng thuyết minh của văn bản.
b) Tìm bố cục của văn bản.
c) Viết đoạn văn tóm tắt phần thuyết minh về thơ hai- cư.
Trả lời:
a) Đối tượng thuyết minh của văn bản là nhà thơ Ma-su-ô Ba-sô và thơ hai-cư - một thể thơ độc đáo của Nhật Bản.
b) Bố cục của văn bản :
- Từ đầu đến "M. Si-ki (1867 - 1902)" : Sơ lược tiểu sử và sự nghiệp nhà thơ Ma-su-ô Ba-sô.
- Đoạn còn lại : Những đặc điểm và giá trị của thơ hai-cư.
c) Viết đoạn văn tóm tắt : Dựa vào bố cục trên, đọc lại văn bản, anh (chị) hãy viết một đoạn văn tóm tắt phần thuyết minh về thơ hai-cư.
2. Bài tập 2, trang 72 - 73, SGK.
Đọc văn bản “Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội” và thực hiện các yêu cầu sau :
a) Xác định văn bản Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội thuyết minh vấn đề gì. So với văn bản thuyết minh ở phần trên, đối tượng và nội dung thuyết minh của Lương Quỳnh Khuê có gì khác ?
b) Viết tóm tắt đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút, Đài Nghiên.
Trả lời:
a) Câu hỏi gồm hai ý:
- Xác định đối tượng thuyết minh : vẻ đẹp văn hoá, nghệ thuật của thắng cảnh đền Ngọc Sơn, Hà Nội.
- So sánh với các văn bản thuyết minh khác đã dẫn trong SGK (Nhà sàn, Tiểu sử, sự nghiệp của nhà thơ Nhật Bản M. Ba-sô), ta thấy được nét riêng của văn bản Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội là : vừa thuyết minh kiến trúc của đền Ngọc Sơn vừa ca ngợi nét đẹp, thơ mộng của danh thắng ấy.
b) Viết tóm tắt đoạn giới thiệu cảnh Tháp Bút, Đài Nghiên.
- Đọc lại văn bản, từ "Đến thăm đền Ngọc Sơn" đến "thể hiện tinh thần của Đạo Nho". Chú ý những cụm từ miêu tả hình ảnh Tháp Bút (Tháp Bút dựng trên núi Ngọc Bội, đỉnh Tháp có ngọn bút trỏ lên trời xanh cao vút), miêu tả Đài Nghiên (Gọi là "Đài Nghiên" bởi cổng này là hình tượng "cái đài" đỡ "nghiên mực"). Đồng thời, lưu ý câu văn khái quát: "... Tháp Bút - Đài Nghiên thể hiện tinh thần của Đạo Nho".
- Từ những ý trên, anh (chị) hãy tự tóm tắt đoạn văn theo yêu cầu của bài tập.
3. Đọc phần Tiểu dẫn về tác phẩm Đại cáo bình Ngô (Ngữ văn 10, tập hai, trang 16) và thực hiện các yêu cầu sau :
a) Xác định đối tượng thuyết minh của văn bản.
b) Tìm bố cục của văn bản.
c) Viết đoạn văn tóm tắt phần thuyết minh những đặc điểm của thể cáo (từ "Cáo là thể văn nghị luận" đến "chính nghĩa").
Trả lời:
a) Đối tượng thuyết minh của văn bản Tiểu dẫn bài Đại cáo bình Ngô : Nói rõ hoàn cảnh ra đời của Đại cáo bình Ngô, thuyết minh ngắn gọn đặc điểm của thể cáo và kết cấu tác phẩm Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi.
b) Bố cục của văn bản :
- Mở bài (từ đầu đến "riêng của Nguyễn Trãi") : Nêu hoàn cảnh ra đời của Đại cáo bình Ngô.
- Thân bài (tiếp theo đến "gợi cảm"): Thuyết minh ngắn gọn đặc điểm của thể cáo và tác phẩm Đại cáo bình Ngô.
- Kết bài (đoạn còn lại): Nêu bố cục của văn bản Đại cáo bình Ngô.
c) Viết đoạn văn tóm tắt: Tham khảo các đoạn văn sau :
"Đại cáo bình Ngô - được coi như bản tuyên ngôn độc lập của nước ta năm 1428 - vừa mang đặc trưng của thể cáo, vừa có sáng tạo riêng của Nguyễn Trãi." (Mở bài)
"Cáo là thể văn nghị luận cổ nêu chiếu biểu của vua, hoặc nêu những vấn đề trọng đại của xã hội. Cáo thường viết bằng văn biền ngẫu, ngôn ngữ, lí lẽ đanh thép. Cáo là thể văn hùng biện.
Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi nhân danh vua Lê Lợi ban bố chiến thắng giặc Ngô - giặc Minh - bằng một kết cấu chặt chẽ, mạch lạc..." (Thân bài)
4. Đọc văn bản sau và viết một đoạn văn tóm tắt (khoảng 10 câu) phần thân bài.
TRANH ĐÔNG HỒ
Ca dao xưa có câu :
Làng Mái có lịch có lề,
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.
Ca từ mang nội dung như một lời tự giới thiệu dẫn ta về làng Mái. Đó là làng Đông Hồ - tên cũ là Đông Mái - được người dân gọi bằng cái tên nôm na : Làng Hồ. Là quê hương của dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng, nó nằm ở phía bên phải con sông Đuống, trong huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tranh Đông Hồ cũng gọi là tranh Tết làng Hồ phục vụ nông dân lao động. "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong - Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp". Câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm đã khái quát vẻ đẹp mộc mạc, dân dã của tranh Đông Hồ. Nó là loại tranh khắc gỗ in trên giấy dó, nền được quét điệp với những thớ khoẻ lấp lánh bạc, hoặc rực rỡ màu vàng cam, vàng quýt bởi được phủ thêm nước gỗ vang hay nước hoa hoè. Tranh được in cả nét lẫn màu, màu in trước nét in sau, tranh có bao nhiêu màu là có bấy nhiêu lần in. Bảng màu của tranh đều là những màu lấy trong tự nhiên gần gũi với đời sống con người, như trắng của sò điệp, đen của than lá tre, đỏ từ thỏi son, xanh của lá chàm, vàng của quả dành dành,... Khi sản xuất tranh, người ta lấy hồ nếp trộn với màu tạo độ quánh cho dễ in, màu bền khó phai. Những màu đó được in thành các mảng cạnh nhau, cuối cùng là in ván nét đen to đậm mềm mại bao quanh các mảng màu thành một tờ tranh hoàn chỉnh.
Tranh Tết Đông Hồ rất phong phú về nội dung, có tranh đơn chiếc, nhưng đa số là tranh bộ đôi, bộ tứ, dường như chịu ảnh hưởng từ thể biền ngẫu trong văn học. Chúng đối nhau từ màu nền, nội dung và cả chữ trên tranh. Chủ đề trừ tà, cầu phúc, chúc tụng như các tranh : Gà đại cát, Gà trống, Tiến tài, Tiến lộc, Ông tướng trấn môn,... chủ đề cảnh vật, sinh hoạt quan hệ gia đình, xã hội có : Lợn đàn, Gà đàn, Thầy đồ cóc, Trạng chuột vinh quy, Đánh vật, Rước trống, Hứng dừa, Đánh ghen, Rước rồng, Múa kì lân,... hay những tranh có nội dung ca ngợi anh hùng dân tộc như : Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu xuất quân, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, hoặc bắt nguồn cảm hứng từ các tác phẩm văn học cổ điển như : Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên,...
Hầu hết tranh Đông Hồ đều có thơ hoặc phương ngôn bằng chữ Nôm hay chữ Hán. Trong thơ có hoạ và trong hoạ có thơ đã thể hiện mĩ cảm của người phương Đông. Thơ và hoạ gắn bó với nhau vừa tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh của bố cục, vừa nói lên tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ dân gian "đối cảnh sinh tình".
[...] Di sản tranh Đông Hồ là tiếng nói tự tâm hồn gửi đến tâm hồn từ đời xưa truyền lại, cũng là một kho tri thức, một phương tiện giáo dục phản ánh của một xã hội ấm áp tình người, một thành tựu đáng kể của mĩ thuật cố có sức sống trường tồn trong tâm thức người dân Việt. Nó hàm chứa một hệ thống giá trị từ nội dung giàu tính nhân văn, vẻ đẹp của bố cục, màu sắc, đường nét, tới những đặc điểm về lịch sử văn hoá dân tộc. Nó được đông đảo nhân dân Việt Nam ưa chuộng, bảo vệ, lưu truyền và đứng ở vị trí quan trọng trong nền mĩ thuât tạo hình dân tộc.
(Theo Đặng Thế Minh, trong Thuyết minh
Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, 2000)
Trả lời:
Cần thực hiện các bước như sau :
a) Xác định đối tượng thuyết minh của văn bản.
b) Tìm bố cục của văn bản :
- Mở bài (từ đầu đến "tỉnh Bắc Ninh"): Giới thiệu quê hương của tranh Đông Hồ.
- Thân bài (từ "Tranh Đông Hồ" đến "đối cảnh sinh tình"): Thuyết minh những đặc điểm, chất liệu, màu sắc, đường nét và nội dung của tranh Đông Hồ.
- Kết bài (đoạn còn lại) : Nhấn mạnh giá trị nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục của tranh Đông Hồ.
c) Viết một đoạn văn tóm tắt phần thân bài : Dựa vào những gợi ý trên, anh (chị) hãy tự thực hiện.
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến Lớp 10 cùng thầy cô giáo giỏi tại Tuyensinh247.com, Cam kết giúp học sinh học tốt, bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục