I. Chuẩn bị:
Câu hỏi 1: (trang 152 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)
- Đọc kĩ các nội dung nêu lên ở mục 1. Định hướng. Tìm hiểu đề bài để biết các thông tin trước khi viết như: trọng tâm vấn đề, kiểu văn bản, phạm vi bàn luận,…
- Xác định tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong thời đi học của em
- Nhớ lại nội dung chính của tác phẩm văn học ấy
Lời giải:
- Tìm hiểu đề bài:
+ Trọng tâm vấn đề: Làm sáng tỏ vai trò, tác dụng của tác phẩm văn học đối với bản thân mỗi cá nhân như thế nào
+ Kiểu văn bản: văn bản nghị luận
+ Phạm vi nghị luận: vai trò của một tác phẩm văn học
- Tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong thời đi học của em: Nhật kí Đặng Thùy Trâm
- Nội dung chính của tác phẩm văn học:
Là những dòng ghi chép chân thực về cuộc sống hằng ngày nơi tuyến đầu chống đế quốc Mỹ, về nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh và cả ước mơ, khát khao cháy bỏng ngày đất nước hòa bình để tác giả được trở về với gia đình, với Hà Nội thân yêu.
II. Thực hành:
Bài tập: (trang 153 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)
Từ kinh nghiệm đọc sách của bản thân, hãy viết bài văn bàn luận về vai trò của tác phẩm văn học đối với cá nhân em
Lời giải:
Chimamada Ngozi Adiche từng nói rằng: “Văn học có khả năng thay đổi tư tưởng và cảm xúc của chúng ta”. Trong suốt quá trình đọc sách của bản thân, tác phẩm văn học đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất và cho tôi nhiều bài học giá trị là Nhật kí Đặng Thùy Trâm.
Nhật kí Đặng Thùy Trâm là tập nhật kí của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được viết tay từ năm 1968 đến 1970. Đây là những dòng ghi chép chân thực về cuộc sống hằng ngày nơi tuyến đầu chống đế quốc Mỹ, về nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh và cả ước mơ, khát khao cháy bỏng ngày đất nước hòa bình để tác giả được trở về với gia đình, với Hà Nội thân yêu. Mỗi dòng nhật kí đều chất chứa những tâm tư, tình cảm của đứa con xa nhà, luôn mong muốn khát khao được về bên gia đình.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Trước hết, tác phẩm đã sử dụng từ ngữ mộc mạc, gần gũi tạo cảm giác như đang trò chuyện với độc giả. Nghệ thuật kể chuyện chân thật được thể hiện qua các mốc thời gian cụ thể (đặc trưng thể loại nhật kí). Đồng thời, thủ pháp nghệ thuật miêu tả kết hợp với trần thuật được sử dụng xuyên suốt trong tác phẩm:
“ Những ngày bận rộn trong công tác dồn dập, thương nặng, người ít, mọi người trong bệnh xá đều hết sức vất vả. Riêng mình, trách nhiệm càng nặng nề hơn bao giờ hết, mỗi ngày làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya. Khối lượng công việc quá lớn mà người không có nên một mình mình vừa phải phụ trách bệnh xá, vừa lo điều trị, vừa giảng dạy. Vô cùng vất vả và cũng còn nhiều khó khăn trong công việc, nhưng hơn bao giờ hết mình cảm thấy rằng mình đã đem hết tài năng, sức lực của mình….trong công tác bên giường bệnh.”.
Qua đó, việc miêu tả sự kiện và nhân vật trong nhật kí hiện lên sinh động, đã khắc họa khung cảnh chiến đấu ác liệt nơi chiến trường với biết bao nhiêu chiến sĩ đã bị thương nặng. Đồng thời, góp phần thể hiện tính cách nhân vật Thùy Trâm: là một bác sĩ luôn hết mình vì công việc cứu chữa bệnh nhân và luôn cống hiến hết tài năng, sức lực của bản thân cho cách mạng; là một cô gái có lý tưởng cao đẹp, luôn muốn cống hiến cho đất nước. Tác phẩm đã phản ánh sự tàn phá khốc liệt, hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh cùng khát vọng hòa bình, độc lập của nhân dân ta.
Nguyễn Quang Thiều đã từng nói rằng “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật kí của những người lính”. Trong nhật kí Đặng Thùy Trâm, mỗi câu chuyện qua từng trang nhật kí đã đưa người đọc trở lại về thời kì lịch sử đầy vẻ vang nhưng cũng vô cùng ác liệt tàn khốc của chiến tranh. Sau mỗi lần quân địch tấn công thì số người bị thương tăng lên rất nhiều, nữ bác sĩ trẻ đã dành toàn bộ tâm huyết, sức lực của mình để chữa trị cho bệnh nhân. Điều đó khiến cho bản thân tôi, một đứa trẻ may mắn được sinh ra trong thời kì đất nước hòa bình, cảm thấy vô cùng xúc động, biết ơn và trân trọng cuộc sống ngày hôm nay.
“ Ôi! Có ai hiểu lòng con ao ước được về sống giữa gia đình, dù chỉ một giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc ô tô đưa con vào đường bom đạn. Nhưng con vẫn ra đi vì lý tưởng”
Đối với bất kỳ ai, rời xa gia đình là việc thực sự khó khăn huống chi là cô gái mới ở độ tuổi đôi mới. Chính vì thế, khi nhận được bức thư của mẹ, Thùy Trâm mong muốn được về nhà, dù chỉ trong giây lát cũng được. Đây là một ước mơ thật giản dị nhưng cũng xúc động biết bao. Nhưng sau tất cả, cô gái ấy vẫn ra đi vì lý tưởng phía trước, lý tưởng để đất nước giành được độc lập. Bởi cô tin rằng ngày mai đất nước hòa bình thì bản thân sẽ được sống những ngày tháng tươi đẹp trước đây. Và giờ đây, nỗi nhớ gia đình đã trở thành động lực để tiếp thêm sức mạnh cho cô tiếp tục thực hiện lý tưởng của mình.
Khi đọc từng trang nhật kí đầy cảm xúc, trong bản thân tôi có rất nhiều suy nghĩ trước hình ảnh người con gái đã không ngần ngại bỏ lại sau lưng mình tuổi trẻ, tình yêu, gia đình... để lên đường chiến đấu vì sự độc lập toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đó là lòng cảm phục, ngưỡng mộ trước sự hy sinh, kiên cường đầy bản lĩnh của rất nhiều người lính chiến đấu trên chiến trường. Là sự tự hào, biết ơn sâu sắc với những thế hệ đi trước đã có công lao giữ vững nền độc lập dân tộc.
Câu chuyện của Đặng Thùy Trâm đã giúp bản thân tôi có được những bài học sâu sắc về lẽ sống đẹp: sống cống hiến, không sợ gian nan, phải có nghị lực vươn lên trước những thử thách chông gai. Sau đó, tôi cần xác định một mục tiêu rõ ràng để phấn đấu trong cuộc sống. Để thực hiện điều này, tôi cũng phải trau dồi kiến thức, các kĩ năng cần thiết từ đó hoàn thiện bản thân. Trước khó khăn không nên né tránh, nao núng mà phải quyết tâm vượt lên hoàn cảnh của chính mình, dựa vào khả năng của chính mình chứ không phải dựa dẫm, ỷ lại người khác
Thùy Trâm đã ra đi khi mới 27 tuổi nhưng ngọn lửa cống hiến trong trái tim cô thì vẫn còn sống mãi và ngọn lửa ấy sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ mai sau.
III. Rèn luyện kỹ năng viết:
Bài tập: (trang 154 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)
Chỉ ra lỗi diễn đạt trong hai đoạn văn sau đây được trích từ bài làm của học sinh và nêu cách sửa
(1) Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một tác phẩm nghệ thuật, bằng lối sử dụng từ ngữ tinh tế, rõ ràng, những từ gợi tả, gợi cảm, từ láy và điệp từ hòa cùng với nhịp thơ vui cho ta thấy một bức tranh mùa xuân thật đẹp trong bức tranh ấy chứa đựng cả tấm lòng, tình cảm của tác giả
(2) Tuy Nguyễn Du xuất thân từ tầng lớp quyền quý. Cha và anh trai ông đều làm quan to trong triều. Bản thân ông từng tham gia bộ máy cai trị phong kiến. Trong những năm hoạn lạc, ông có điều kiện sống gần dân, nếm trải đủ mùi cay đắng. Vì thế, ông rất đồng cảm với người dân cùng khổ.
Lời giải:
1.
- Lỗi diễn đạt: Câu văn dài có cấu trúc không rõ ràng
- Cách sửa:
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một tác phẩm nghệ thuật khi sử dụng từ ngữ tinh tế, rõ ràng, gợi tả, gợi cảm, cùng với nhịp thơ vui cho ta thấy một bức tranh mùa xuân thật đẹp. Trong bức tranh ấy chứa đựng cả tấm lòng, tình cảm của tác giả.
2.
- Lỗi diễn đạt:
+ Câu văn dài có cấu trúc không rõ ràng
+ Sử dụng từ ngữ không phù hợp: “bộ máy cai trị phong kiến”, “hoạn lạc”; “cùng khổ”
- Cách sửa:
Nguyễn Du xuất thân từ tầng lớp quyền quý. Cha và anh trai ông đều làm quan to trong triều. Bản thân ông từng làm quan trong triều. Trong những năm hoạn nạn, ông có điều kiện sống gần dân, nếm trải đủ mùi cay đắng. Vì thế, ông rất đồng cảm với người dân khốn khổ.
Sachbaitap.com
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục