1. Bài tập 2, trang 182, SGK.
Giả sử anh (chị) muốn được vào làm việc ở một nơi mà mình yêu thích. Nhà tuyển dụng tiến hành phỏng vấn có nêu ra câu hỏi:
Bạn có thể nói cho tôi nghe về nhược điểm lớn nhất của mình không?
Anh (chị) sẽ trả lời thế nào để ai cũng phải thừa nhận mình trung thực; nhưng không vì thế mà gây trở ngại cho cơ hội tìm kiếm việc làm ?
Trả lời:
Để tìm lời giải đáp, anh (chị) có thế tham khảo câu chuyện sau đây:
Sau hơn ba mươi phút trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng, Duy cảm thấy rất vui khi cảm nhận được vẻ hài lòng trong ánh mắt của nhà tuyến dụng. Bất chợt, người phỏng vấn hỏi tiếp Duy, vẫn với ánh mắt hài lòng: “Bạn có rất nhiều kinh nghiệm trong công việc, có mối quan hệ rất tốt với đồng nghiệp, có óc phán đoán và phân tích tình huống rất tốt. Vậy bạn có thể nói cho tôi nghe về khuyết điểm lớn nhất của bạn không ?". Duy đã không lường trước được câu hỏi này. Không giấu được vẻ lúng túng, Duy ngập ngừng: “Dạ... dạ... nhìn chung thì em không có khuyết điểm gì lớn lắm. Nhưng nếu phải kể ra một khuyết điểm thì đó là em rất hay lo. Em luôn luôn lo lắng về mọi thứ, từ nhỏ đến lớn, từ lớn đến nhỏ. Và điều này đã thường xuyên làm em mất ngủ. Do vậy em phải thường xuyên sử dụng thuốc an thần...”.
Trường hợp của Tùng thì khác. Cũng vẫn nhà tuyển dụng ấy, và cũng với câu hỏi ấy, nhưng sau vài giây suy nghĩ, Tùng mỉm cười thân thiện và đáp lại: "Nếu nói về khuyết điểm thì em có rất nhiều khuyết điểm, tuy nhiên theo bản thân em, khuyết điểm lớn nhất của em là rất hay lo. Em không thể nào dứt ra được cho đến khi một nhiệm vụ nào đó được hoàn thành. Lúc đầu, em cũng hay mất ngủ vì những mối lo lắng này, nhưng sau đó em đã tập để quen dần bằng cách nghe nhạc, suy nghĩ và dỗ luôn giấc ngủ bằng những suy nghĩ này. Chỉ sau vài tháng, em đã lấy lại được trạng thái cân bằng".
Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn sẽ chọn ai ? Tùng hay Duy ? Cả hai đều có chung một khuyết điểm là luôn lo lắng và đều phải chịu chứng mất ngủ. Đó là sự thật ,về mặt ấy, cả hai đều nói thật. Tuy nhiên, thông qua cách trả lời . "... không thể nào dứt ra được cho đến khi một nhiệm vụ nào đó được hoàn thành...", Tùng đã ghi thêm được một điểm tốt. Và dĩ nhiên, Tùng là người được chọn. Khuyết điểm của Tùng hiển nhiên đã trở thành ưu điểm, vì khuyết điểm ấy, chính nó, lại khiến nhà tuyển dụng tin Tùng sẽ toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ được giao.
(Theo báo điện tử Thanhnienonline, ngày 18 - 10 - 2006)
2. Anh (chị) hãy giải thích vì sao những câu hỏi phỏng vấn sau đây lại bị đưa ra phê phán:
- Thưa mẹ, trong số 5 người con của mẹ đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mẹ quý nhất người nào ?
- Thưa anh Phạm Tuân, từ trên vũ trụ nhìn về trái đất, anh thấy đất nước mình có đẹp không?
Trả lời:
Những câu hỏi phỏng vấn đó rất đáng bị phê phán, bởi lẽ:
- Khi hỏi: “Thưa mẹ, trong số 5 người con của mẹ đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mẹ quý nhất người nào ?” là ta đã chạm vào nỗi đau đớn, xót xa trong lòng người mẹ. Người phỏng vấn đã quá thiếu tế nhị, quá vô tình.
- Khi hỏi : “Thưa anh Phạm Tuân, từ trên vũ trụ nhìn về trái đất, anh thấy đất nước mình có đẹp không ?”, người phỏng vấn đã tỏ ra không hiểu về chính điều mình phỏng vấn. Làm sao có thể nhìn rõ đất nước mình từ tầng thẳm cao của vũ trụ để biết được đất nước nhìn từ trên đó có đẹp hay không!
3. Hãy sắp xếp các chủ đề dưới đây vào hai cột : (1) Nên tiến hành phỏng vấn ; (2) Không nên tiến hành phỏng vấn.
- Làm thế nào để đạt được kết quả tốt trong môn Ngữ văn ?
- Cho bạn quay cóp bài là thương yêu bạn hay làm hại bạn ? Vì sao ?
- Bạn có phải là người hay quay cóp bài không ?
- Tấm gương một bạn học sinh nghèo vượt khó.
- Ai là người bị ghét nhất ở lớp mình ?
- Những biện pháp để ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.
- Bạn đã sống như thế nào (hoặc đã có cảm nghĩ gì) trong thời gian đi dự trại hè quốc tế (hoặc tham quan du lịch, du học,...) vừa qua ?
- Phải làm gì để bảo vệ môi trường nơi mình đang sống ?
Trả lời:
Không nên phỏng vấn về chủ đề “Bạn có phải là người hay quay cóp bài không ?”, vì chủ đề ấy thiếu tế nhị (nếu người trả lời phỏng vấn quả có hay quay cóp bài) hoặc dễ gây cảm giác bị xúc phạm (nếu người trả lời phỏng vấn vốn không phải là người hay quay cóp). Cũng không nên phỏng vấn về chủ đề “Ai là người bị ghét nhất ở lóp mình ?”, vì chủ đề ấy có thể gợi những tình cảm không tốt đẹp giữa các bạn bè.
Những chủ đề còn lại có thể tiến hành phỏng vấn.
4. Chọn một chủ đề đã xếp ở cột “Nên tiến hành phỏng vấn” rồi cùng các bạn trong nhóm, tổ tập tiến hành phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, sao cho :
- Người phỏng vấn có hệ thống câu hỏi sát chủ đề, họp đối tượng, sắp xếp chặt chẽ và có cách dẫn dắt cuộc chuyện trò khéo léo, thân mật, tự nhiên.
- Người được phỏng vấn trả lời đúng vào câu hỏi, chân thực, thẳng thắn, thông minh, dí dỏm.
- Biên bản phỏng vấn được ghi lại một cách trung thành, sinh động, thể hiện đúng nội dung và tinh thần của cuộc hỏi - đáp, chuyện trò.
Trả lời:
Tham khảo đoạn trích sau đây:
Chuyện trò với người đi bằng “học bổng Ư-tha-ta-chi”
-Bạn đang du học theo học bổng nào và tại đâu ?
- Tôi đang du học theo “học bổng U-tha-ta-chi”, tạm dịch là u thầy ta chi (hì... hì...). Nhận được “tài trợ” từ cha mẹ, tôi sang học chuyên ngành Văn hoá tại Trường Đại học Ngôn ngữ và Văn hoá Bắc Kinh.
- Bạn có thể so sánh việc học tập ở trong và ngoài nước không ?
- Tài liệu học tập của chúng tôi khá đầy đủ và phong phú, cập nhật hằng ngày qua mạng in-tơ-nét hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này khác với trong nước: tài liệu học tập của sinh viên còn cũ và thiếu.
- Cuộc sống của sinh viên và nghiên cứu sinh đang học tập cùng bạn thế nào ?
- Hết giờ học về nhà tự nấu ăn. Cuối tuần chúng tôi thường rủ nhau đi chợ, ăn uống. Ở trường tôi, từ nhiều năm, sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đều đứng ở Top 5 đấy. Nhiều sinh viên còn phấn đấu “lấy” được học bổng để ở lại làm luôn thạc sĩ nữa. Ngoài học tập, chúng tôi còn có các hoạt động ngoại khoá rất vui và có ý nghĩa.
- Bạn đặt kế hoạch gì ngay sau khi tốt nghiệp ?
- Tôi muốn trở về Việt Nam và giảng dạy tại một trường đại học của Việt Nam để truyền lại cho sinh viên những gì tôi học được.
- Điều gợi nhớ nhất về Việt Nam khi bạn ở nước ngoài ?
- Là những bữa cơm gia đình và những khi được dạo chơi ngoài đường (hì.... hì...), được ngắm nhìn những thứ quen thuộc với mình từ khi, như các cụ nói, còn để chỏm!
- Món ăn bạn nhớ nhất ở Việt Nam ?
- Phở, phở Hà Nội. Chắc chắn sinh viên nào cũng nghĩ như tôi. Mỗi lần ngồi tàu về Việt Nam, chúng tôi bàn nhau từ lúc ngồi trên tàu : “Xuống tàu, ra khỏi ga đi ăn phở luôn nhé !”Và cảm giác bát phở thơm phức, nóng hổi, nghi ngút khói làm cho chúng tôi đứa nào đứa nấy nuốt... (các bạn hiểu chứ).
(Theo báo Tiền Phong, số Xuân Qúy Mùi, 2003)
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến Lớp 11 cùng thầy cô giáo giỏi trên Tuyensinh247.com. Bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng. Cam kết giúp học sinh lớp 11 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục