I. Định hướng
Câu hỏi 1: (trang 72 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)
Đọc thông tin sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới để tìm hiểu cách trình bày báo cáo kết quả bài tập dự án:
- Báo cáo kết quả dự án gồm những nội dung nào? Nội dung nào là nội dung chính?
- Kết quả của báo cáo dự án được thể hiện qua những đề mục nào?
- Việc đưa vào báo cáo những hình ảnh và thuyết trình hình ảnh nhằm mục đích gì?
Lời giải:
- Báo cáo kết quả dự án gồm 4 nội dung:
+ Mục tiêu dự án
+ Nội dung của dự án
+ Kết quả của dự án
+ Tự đánh giá và kiến nghị
Nội dung chính là phần kết quả của dự án.
- Báo cáo kết quả của dự án được thực hiện qua các đề mục: số lượng tài liệu, nội dung của sản phẩm, minh họa cụ thể, tự đánh giá sản phẩm ( về số lượng, chất lượng so với yêu cầu của bài tập dự án)
- Việc đưa vào báo cáo những hình ảnh và thuyết trình hình ảnh nhằm mục đích: khiến cho báo cáo trở nên trực quan, rõ ràng và sinh động hơn.
II. Thực hành
Câu hỏi 1: (trang 72 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)
Vừa qua lớp em được giao tiến hành hai dự án học tập sau:
- Sức mạnh của tiếng cười qua các tác phẩm hài kịch
- Tác động của phương tiện nghe- nhìn đối với văn học trong giới trẻ hiện nay
Em hãy thay mặt nhóm để viết báo cáo kết quả học tập của một trong hai dự án trên.
Lời giải:
BÁO CÁO KẾT QUẢ BÀI TẬP DỰ ÁN
Nhóm 2 lớp 12A trường Trung học Phổ thông…
Dự án:
SỨC MẠNH CỦA TIẾNG CƯỜI QUA CÁC TÁC PHẨM HÀI KỊCH
1. Mục tiêu của dự án:
- Phân tích về sức mạnh của tiếng cười qua một số tác phẩm hài kịch nổi tiếng
- Đưa ra nhận xét, đánh giá tình trạng trên
2. Nội dung của dự án:
- Tìm hiểu và đọc một tác phẩm hài kịch nổi tiếng
- Chỉ ra ý nghĩa của tiếng cười hài kịch
- Sưu tập các văn bản hài kịch
3. Kết quả của thực hiện dự án:
- Sản phẩm 1 : 01 bài phân tích, đánh giá sức mạnh của tiếng cười trong văn bản hài kịch
Tiếng cười trong hài kịch có ý nghĩa lớn đối với đời sống của con người bởi tiếng cười trong hài kịch là lấy từ những câu chuyện của cuộc sống. Với những phẩm chất đa dạng của hiện thực là các sắc thái khác nhau của tiếng cười. Đó có thể là tiếng cười châm biếm, đả kích, giễu cợt, cái cười vui đối với xã hội.
Quan trọng hơn cả, tiếng cười trong hài kịch là một phương tiện để truyền tải, phê phán mặt xấu của xã hội, đó là hình thức phê phán đặc biệt và khẳng định cái mới, cái tốt đẹp. Từ đó, giúp thay đổi nhận thức, tư tưởng của con người giúp chúng ta hướng tới những thứ tốt đẹp hơn.
Trong tác phẩm Quan thanh tra của nhà văn Gogol, tiếng cười không chỉ có mục phản ánh, phê phán hiện thực với các thói hư tật xấu của con người trong xã hội qua hình tượng nhân vật:Khlét-xa-cốp, thị trưởng, chánh án,…Qua tiếng cười ấy, nhà văn muốn khán giả nhìn nhận vào chính bản thân mình, nhìn vào con người bên trong thật sự của chính mình, đưa ra lời cảnh báo cho khán giả về lối sống trống rỗng, không có ý nghĩa hiện tại. Vì thế, “ Quan thanh tra” của Gogol đã chỉ ra con đường khai sáng với nhận thức bản thân mỗi người và tiếng cười hài kịch ấy sẽ sống mãi trong lòng mỗi độc giả.
Qua đó, có thể nói rằng cái cười là phản ứng cảm xúc của con người trong ý thức thẩm mĩ của nó khi nhận các hiện tượng thực tại mang các xung đột hài kịch. Như vậy cái cười trong cái hài là cái cười đặc biệt nhằm vào đối tượng cụ thể, là cái cười có mục đích và ý nghĩa xã hội sâu sắc.
- Sản phẩm 2 : 01 bộ sưu tập các văn bản hài kịch ( 03 bản)
+ Tác phẩm Bệnh sĩ của tác giả Lưu Quang Vũ
+ Tác phẩm Người lái buôn thành Vơ-ni-dơ của nhà văn Shakespeare
+ Tác phẩm Quan thanh tra của nhà văn Gogol.
- Sản phẩm 3: Bộ tranh minh họa một số nhân vật, chi tiết… trong tác phẩm hài kịch
- Sản phẩm 4: 01 clip sân khấu hóa đoạn trích hài kịch Quan thanh tra ( Gô-gôn)
4. Đánh giá, nhận xét:
Sản phẩm của dự án đã cung cấp đầy đủ về những thông tin, ý nghĩa của sức mạnh tiếng cười hài kịch. Từ đó, thấy được tầm quan trọng của tiếng cười hài kịch trong cuộc sống.
Câu hỏi 2: (trang 76 SGK Văn 12 Cánh Diều Tập 1)
Hãy viết đoạn văn bác bỏ quan niệm: chêm xen tiếng nước ngoài giao tiếp tiếng Việt là cách dùng để chứng tỏ bản thân đang tích cực hòa nhập thế giới.
Lời giải:
Quan niệm chêm xen tiếng nước ngoài giao tiếp tiếng Việt là cách dùng để chứng tỏ bản thân đang tích cực hòa nhập thế giới là quan niệm hoàn toàn sai trái, cần phải bác bỏ bởi các lí do sau đây. Trước hết, trong bối cảnh thế giới hội nhập hiện nay, giao tiếp ngoại ngữ tốt là một lợi thế lớn đối với mỗi người nhưng cần phải nhớ dân tộc nào trên thế giới có truyền thống, văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng. Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan vì vậy mỗi người vẫn luôn cần phải có ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống sâu sắc của dân tộc. Ngoài ra, việc chêm xen tiếng nước ngoài giao tiếp Tiếng Việt chỉ nên dùng khi nói vui, giải trí trong số ít trường hợp nhưng nếu lạm dụng việc sử dụng tiếng nước ngoài sẽ thể hiện sự tự ti, khiếm khuyết của cá nhân về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Vì vậy, cần có ý thức trong việc chêm xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp để bảo vệ trong sáng của Tiếng Việt.
Sachbaitap.com
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục