Bài 13 trang 77 SGK Toán lớp 9 tập 1
Câu hỏi:
Dựng góc nhọn \(\alpha\) , biết:
a) \(\sin\alpha =\dfrac{2}{3}\)
b) \(\cos\alpha =0,6\)
c) \(\tan \alpha =\dfrac{3}{4}\)
d) \(\cot \alpha =\dfrac{3}{2}\)
Lời giải:
a)
Ta thực hiện các bước sau:
- Dựng góc vuông \(xOy\). Lấy một đoạn thẳng làm đơn vị.
- Trên tia \(Ox\) lấy điểm \(A\) bất kỳ sao cho: \(OA=2\).
- Dùng compa dựng cung tròn tâm \(A\), bán kính \(3\). Cung tròn này cắt \(Oy\) tại điểm \(B\).
- Nối \(A\) với \(B\). Góc \(OBA\) là góc cần dựng.
Thật vậy, xét \(\Delta{OAB}\) vuông tại \(O\), theo định nghĩa tỷ số lượng giác của góc nhọn, ta có:
\(\sin \alpha = \sin \widehat{OBA} = \dfrac{OA}{AB}=\dfrac{2}{3}\).
b)
Ta có: \(\cos \alpha =0,6 = \dfrac{3}{5}\)
- Dựng góc vuông \(xOy\). Lấy một đoạn thẳng làm đơn vị.
- Trên tia \(Ox\) lấy điểm \(A\) bất kỳ sao cho \(OA=3\).
- Dùng compa dựng cung tròn tâm \(A\) bán kính \(5\). Cung tròn này cắt tia \(Oy\) tại \(B\).
- Nối \(A\) với \(B\). Góc \(\widehat{OAB}=\alpha \) là góc cần dựng.
Thật vậy, Xét \(\Delta{OAB}\) vuông tại \(O\), theo định nghĩa tỷ số lượng giác của góc nhọn, ta có:
\(\cos \alpha =\cos \widehat{OAB}=\dfrac{OA}{AB}=\dfrac{3}{5}=0,6\).
c)
- Dựng góc vuông \(xOy\). Lấy một đoạn thẳng làm đơn vị.
- Trên tia \(Ox\) lấy điểm \(A\) sao cho \(OA=4\).
Trên tia \(Oy\) lấy điểm \(B\) sao cho \(OB=3\).
- Nối \(A\) với \(B\). Góc \(\widehat{OAB}\) là góc cần dựng.
Thật vậy, xét \(\Delta{OAB}\) vuông tại \(O\), theo định nghĩa tỷ số lượng giác của góc nhọn, ta có:
\(\tan \alpha =\tan \widehat{OAB}=\dfrac{OB}{OA}=\dfrac{3}{4}.\)
d)
- Dựng góc vuông \(xOy\). Lấy một đoạn thẳng làm đơn vị.
- Trên tia \(Ox\) lấy điểm \(A\) sao cho \(OA=3\).
Trên tia \(Oy\) lấy điểm \(B\) sao cho \(OB=2\).
- Nối \(A\) với \(B\). Góc \(\widehat{OAB}\) là góc cần dựng.
Thật vậy, xét \(\Delta{OAB}\) vuông tại \(O\), theo định nghĩa tỷ số lượng giác của góc nhọn, ta có:
\(\cot \alpha =\cot \widehat{OAB}=\dfrac{OA}{OB}=\dfrac{3}{2}.\)
Bài 14 trang 77 SGK Toán lớp 9 tập 1
Câu hỏi:
Sử dụng định nghĩa tỉ số các lượng giác của một góc nhọn để chứng minh rằng: Với góc nhọn \(\alpha\) tùy ý, ta có:
a) \(\tan \alpha =\dfrac{\sin\alpha }{\cos \alpha};\) \(\cot \alpha =\dfrac{\cos \alpha }{\sin \alpha };\) \(\tan \alpha . \cot \alpha =1\);
b) \(\sin^{2} \alpha +\cos^{2} \alpha =1\)
Gợi ý: Sử dụng định lý Py-ta-go.
Lời giải:
Xét \(\Delta{ABC}\) vuông tại \(A\), có \(\widehat{ACB}=\alpha\).
+) \(\Delta{ABC}\), vuông tại \(A\), theo định nghĩa tỷ số lượng giác của góc nhọn, ta có:
\(\sin \alpha = \dfrac{AB}{BC}\), \(\cos \alpha =\dfrac{AC}{BC}\)
\(\tan \alpha =\dfrac{AB}{AC}\), \(\cot \alpha =\dfrac{AC}{AB}\).
* Chứng minh \(\tan \alpha = \dfrac{\sin \alpha}{\cos \alpha}\).
\(VP=\dfrac{\sin \alpha}{\cos \alpha}=\dfrac{AB}{BC} : \dfrac{AC}{BC}=\dfrac{AB}{BC}.\dfrac{BC}{AC}=\dfrac{AB}{AC}= \tan \alpha =VT\)
(Trong đó VT là vế trái của đẳng thức; VP là vế phải của đẳng thức)
* Chứng minh \( \cot \alpha =\dfrac{\cos \alpha}{\sin \alpha}\).
\(VP=\dfrac{\cos \alpha}{\sin \alpha}=\dfrac{AC}{BC} : \dfrac{AB}{BC}=\dfrac{AC}{BC}. \dfrac{BC}{AB}=\dfrac{AC}{AB}=\cot \alpha=VT\)
* Chứng minh \(\tan \alpha . \cot \alpha =1\).
Ta có: \(VT=\tan \alpha . \cot \alpha \)
\(= \dfrac{AB}{AC}.\dfrac{AC}{AB}=1=VP\)
b) \(\Delta{ABC}\) vuông tại \(A\), áp dụng định lí Pytago, ta được:
\(BC^2=AC^2+AB^2\) (1)
Xét \(\sin ^{2} \alpha +\cos^{2}\alpha \)
\(\;\;\;={\left(\dfrac{AB}{BC} \right)^2}+ {\left(\dfrac{AC}{BC} \right)^2}= \dfrac{AB^{2}}{BC^{2}}+\dfrac{AC^{2}}{BC^{2}} = {{B{C^2}} \over {B{C^2}}} = 1 \)
Như vậy \(\sin^{2} \alpha +\cos^{2} \alpha =1\) (điều phải chứng minh)
Nhận xét: Ba hệ thức:
\(\tan \alpha =\dfrac{\sin \alpha }{\cos \alpha }\); \(\cot \alpha =\dfrac{\cos \alpha }{\sin \alpha }\) và \(\sin^{2} \alpha +\cos^{2} \alpha =1\) là những hệ thức cơ bản bạn cần nhớ để giải một số bài tập khác.
Bài 15 trang 77 SGK Toán lớp 9 tập 1
Câu hỏi:
Cho tam giác ABC vuông tại A. Biết cos B = 0,8, hãy tính các tỉ số lượng giác của góc C.
Gợi ý: Sử dụng bài tập 14.
Lời giải:
Xét tam giác \(ABC\) vuông tại \(A\) nên góc \(C\) nhọn. Vì thế:
\(\sin C>0\); \(\cos C>0\); \(\tan C>0\); \(\cot C>0\).
Vì hai góc \(B\) và \(C\) phụ nhau \(\Rightarrow \sin C = \cos B = 0,8\).
Áp dụng công thức bài 14, ta có:
\(\sin^{2}C+\cos^{2}C=1\) \(\Leftrightarrow \cos^{2}C=1-\sin^{2}C\)
\(\Leftrightarrow \cos^2 C =1-(0,8)^{2}\)
\(\Leftrightarrow \cos^2 C =0,36\)
\(\Rightarrow \cos C = \sqrt{0,36}=0,6\)
Lại có:
\(\tan C=\dfrac{\sin C}{\cos C}=\dfrac{0,8}{0,6}=\dfrac{4}{3};\)
\(\tan C .\cot C=1 \Leftrightarrow \cot C= \dfrac{1}{\tan C}=\dfrac{3}{4}\).
Nhận xét: Nếu biết \(\sin \alpha\) (hay \(\cos \alpha\)) thì ta có thể tính được ba tỷ số lượng giác còn lại.
Bài 16 trang 77 SGK Toán lớp 9 tập 1
Câu hỏi:
Cho tam giác vuông có một góc bằng \(60^{\circ}\) và cạnh huyền có độ dài bằng \(8\). Hãy tìm độ dài của cạnh đối diện góc \(60^{\circ}\).
Phương pháp:
Dựa vào định nghĩa tỷ số lượng giác của góc nhọn:
\(\sin \alpha =\dfrac{cạnh\ đối}{cạnh \ huyền} \)
\(\Rightarrow {cạnh\ đối} = \sin \alpha. {cạnh\ huyền}.\)
Lời giải:
Xét \(\Delta{ABC}\) vuông tại \(A\) có \(\widehat B=60^0\), theo định nghĩa tỷ số lượng giác của góc nhọn, ta có:
\(\sin B = \dfrac{AC}{BC} \Leftrightarrow \sin 60^o = \dfrac{AC}{8}\)
\(\Leftrightarrow AC =8. \sin 60^o=8.\dfrac{\sqrt 3}{2}=4\sqrt 3.\)
Vậy cạnh đối diện với góc \(60^o\) là \(AC=4\sqrt 3\).
Bài 17 trang 77 SGK Toán lớp 9 tập 1
Câu hỏi:
Tìm giá trị của \(x\) trong hình \(23\):
Phương pháp:
+) Sử dụng tỷ số lượng giác: \(\tan \alpha = \dfrac{cạnh\ đối}{cạnh\ kề} \Rightarrow {cạnh\ đối}=\tan \alpha . {cạnh\ kề}\).
+) Dùng định lí Pytago trong tam giác vuông biết hai cạnh góc vuông, tính được cạnh huyền.
Lời giải:
Vẽ lại hình và đặt tên các góc như hình sau:
Xét tam giác \(BHA\) vuông tại \(H\) có \( \widehat{B} = 45^o\), \(BH=20\) nên:
\(\tan B=\dfrac{AH}{BH} \Leftrightarrow \tan 45^o =\dfrac{AH}{20}\)
\(\Leftrightarrow AH=20. \tan 45^o = 20\)
Áp dụng định lí Pytago vào tam giác \(AHC\) vuông tại \(H\), ta có:
\(AC=\sqrt{AH^2+HC^2}=\sqrt{20^2+21^2}=29\)
Vậy \(x=29\)
Sachbaitap.com
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục