Đề bài
1. Tìm hiểu từ “hồng nhan” trong văn học Việt Nam thế kỉ XIII - đầu thế ki XIX.
Trả lời:
“Hồng nhan” theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh nghĩa là “má hồng - con gái đẹp”. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh : “má hồng, tỉ dụ người phụ nữ đẹp". Nhưng trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX, “hồng nhan” thường đi với “bạc mệnh” - hồng nhan bạc mệnh để nói về sự bất hạnh của những phụ nữ tài sắc trong xã hội phong kiến bất công: Rằng hồng nhan tự thuở xưa - Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu (Truyện Kiều).
Trong bài Tự tình của Hồ Xuân Hương, từ “hồng nhan” được dùng như trong cụm từ “hồng nhan bạc mệnh”. Nó diễn tả nỗi niềm chua xót, than thân trách phận của người phụ nữ tài sắc Hồ Xuân Hương phải nhận những mối tình tầm thường, không xứng đáng.
2. Nhân vật trữ tình - người phụ nữ trong bài thơ Tự tình (bài II) buồn vì điều gì? Bốn câu thơ đầu đã thể hiện nỗi buồn ấy như thế nào?
Trả lời:
- Cần bám sát từ ngữ, câu thơ, tránh suy diễn. Nỗi buồn ở nhân vật trữ tình có nguyên nhân vì không có được một tình yêu xứng đáng: hai câu 7 - 8 với các từ ngữ ngán nỗi, mảnh tình, san sẻ, tí, con con trực tiếp cho biết tình cảm mà người phụ nữ nhận được là một thứ tình cảm bé mọn, tầm thường.
- Theo nguyên lí về mối quan hệ giữa cảnh và tình trong thơ xưa (tâm "tiếp xúc”, “va chạm” với cảnh thì tình nảy sinh), cần chú ý đến cảnh trong bốn câu thơ đầu. Tác giả sử dụng biện pháp tương phản: một bên là con người bé nhỏ vói một bên là cả không gian toàn cảnh, có tầm vóc vũ trụ (hồng nhan / nước non trong câu thơ “Trơ cái hồng nhan với nước non”), thời gian đêm với cảnh mênh mông, quạnh vắng, lạnh lùng (vầng trăng, trống canh) ; rượu không thể làm lãng quên nỗi buồn vì say lại tỉnh, thời gian của đời người có vẻ như gợi nhắc đến tháng năm, tuổi tác (“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”),... góp phần làm nổi bật sự cô đơn, buồn chán của nhân vật trữ tình - người phụ nữ.
3. Cảnh trong hai câu thơ 5-6 diễn tả tâm trạng nhân vật trữ tình như thế nào? Nêu ý nghĩa tích cực của nỗi buồn ở nhân vật.
Trả lời:
- Cần nêu được nghĩa tả cảnh trực tiếp, trên cơ sở đó nêu nghĩa tượng trưng. Hai câu 5-6 thể hiện một sự sống mạnh mẽ, khoẻ khoắn bằng hai hình ảnh độc đáo : những đám rêu vốn mềm mại dưới cái nhìn của tác giả tưởng như xiên ngang mặt đất mà trỗi dậy. Mấy hòn đá tưởng như bất động đứng đó từ bao đời trong con mắt của tác giả dường như đâm toạc chán mây. Những sự vật tưởng như vô hồn, bất động được nhà thơ cấp cho sự sống. Phân tích ngữ nghĩa của các cụm từ xiên ngang, đâm toạc (ví dụ : diễn đạt sự bứt phá, không cam chịu, ý tứ này chuẩn bị dẫn dắt đến hai câu 7-8).
- Đặt tâm sự này vào bối cảnh văn hoá - xã hội của thời trung đại để thấy ý nghĩa của nó. (Chẳng hạn, sự buồn chán của người phụ nữ trong ngữ cảnh cụ thể ở đây có ý nghĩa tích cực. Trong xã hội Nho giáo thống trị, người phụ nử được giáo dục tinh thần cam chịu, nhẫn nhục, an phận thủ thường. Nhưng trong bài thơ này, người phụ nữ đã không cam chịu, không chấp nhận số phận mà bộc lộ niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc, mở ra khả năng đấu tranh cho tình yêu và hạnh phúc của mình.) Nếu so sánh với một bài thơ Tự tình khác của Hồ Xuân Hương với câu kết “Thân này đâu đã chịu già tom!”, ta thấy khát vọng về tình yêu này là rất nhất quán.
4. Nhận xét về nghệ thuật sử dụng ngổn ngữ trong bài thơ.
Trả lời:
Nói đến nghệ thuật ngôn từ là phải nói đến khả năng diễn đạt nội dung, ở đây là diễn đạt tâm trạng của nhân vật trữ tình, cần quan sát việc dùng các từ trên những góc độ khác nhau : các từ tả âm thanh (văng vẳng), tả cảm giác (trơ, say lại tỉnh, ngán), tả động thái (xiên ngang, đâm toạc), tả thời gian (xuân đi xuân lại), diễn đạt sự bé mọn, tầm thường của tình cảm dành cho nhân vật là cả câu kết (“Mảnh tình san sẻ tí con con”).
Sachbaitap.com
>> Học trực tuyến Lớp 11 cùng thầy cô giáo giỏi trên Tuyensinh247.com. Bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng. Cam kết giúp học sinh lớp 11 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục