Xem thêm: Bài 7: Chung sức, chung lòng
*Nội dung chính
Bức thư là lời hỏi thăm, động viên, cũng như lời khẳng định của Bác Hồ về lòng đoàn kết toàn dân tộc gửi đến đồng bào miền Nam.
Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam
(Trích)
Cùng các đồng bào dân tộc thiểu số,
Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui về.
Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.
Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-rai hay Ê-đê, Xơ-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cũng nhau, no đói giúp nhau.
Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chân để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.
Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.
Xin chúc Đại hội thành công.
Lời chào thân ái
Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 1946
HỒ CHÍ MINH
Đọc hiểu
Câu 1 trang 93 SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 Cánh Diều:
Đoạn mở đầu bức thư thể hiện tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số như thế nào?
Phương pháp:
Em đọc kĩ bức thư để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Đoạn mở đầu thể hiện một tình cảm yêu quý to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc miền Nam.
Câu 2 trang 93 SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 Cánh Diều:
Tìm các đoạn văn thể hiện những ý sau:
a, Các dân tộc trên đất nước ta là anh em một nhà, gắn bó với nhau.
b, Các dân tộc anh em cần đoàn kết để giữ gìn độc lập, để được sống hạnh phúc.
c, Tình đoàn kết của các dân tộc anh em không bao giờ thay đổi.
Phương pháp:
Em đọc kĩ bức thư để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
a) Đoạn từ “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán… đến … no đói cùng nhau”.
b) Đoạn từ “Giang sơn và Chính Phủ là giang sơn… đến … để ủng hộ Chính phủ ta”.
c) Đoạn từ “Sông có thể cạn, núi có thể mòn … đến … độc lập của chúng ta”.
Câu 3 trang 93 SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 Cánh Diều:
Hình ảnh nào trong đoạn cuối bức thư thể hiện niềm tin tuyệt đối của Bác Hồ vào tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em?
Phương pháp:
Em đọc kĩ bức thư để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Hình ảnh thể hiện niềm tin tuyệt đối của Bác Hồ vào tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em là hình ảnh “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Câu 4 trang 93 SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 Cánh Diều:
Theo em, điều mà Bác Hồ tha thiết mong muốn qua bức thư này là gì?
Phương pháp:
Em đọc kĩ bức thư để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Theo em điều mà Bác Hồ tha thiết mong muốn qua bức thư này là sự đoàn kết tuyệt đối giữa tất cả các dân tộc với nhau.
Sachbaitap.com
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục