Xem thêm: Bài 2: Thơ (Thơ lục bát)
Câu 1 trang 17, SBT Ngữ Văn 6 tập 1 - Cánh diều
Hãy chỉ ra các tiếng được gieo vần với nhau trong khổ thơ sau. Vần nào là vần chân? Vần nào là vần lưng?
Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi ...
Lời giải:
Vần trong khổ thơ được gieo theo đúng luật của thơ lục bát. Tiếng thứ sáu của dòng sáu tiếng (dòng lục) gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng tám tiếng (dòng bát), tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng lục tiếp theo.
– Vần chân là vần được gieo ở vị trí cuối dòng thơ.
– Vẫn lưng là vần được gieo ở giữa dòng thơ.
Trong khổ thơ trên:
- Các tiếng được gieo vần: dàng – vàng; ngon – tròn; tròn – còn. Trong đó: dàng – vàng, tròn – còn là vần lưng; ngon – tròn là vần chân.
Câu 2 trang 17, SBT Ngữ Văn 6 tập 1 - Cánh diều
Chỉ ra cách ngắt nhịp phù hợp của khổ thơ sau đây:
Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.
Lời giải:
Khổ thơ được ngắt nhịp như sau: nhịp 3 / 3 ở dòng lục, nhịp 3 / 5 ở dòng bát.
Câu 3 trang 18, SBT Ngữ Văn 6 tập 1 - Cánh diều
(Câu hỏi 3, SGK) Trong bài thơ, cụm từ “à ơi" được lặp lại nhiều lần. Hãy phân tích tác dụng của sự lặp lại ấy.
Lời giải:
Trong bài thơ, cụm từ “À ơi” được lặp lại 6 lần.
Tác dụng:
- Tạo ra âm điệu du dương, êm ái giống như một lời hát ru.
- Bộc lộ tình cảm yêu thương của người mẹ dành cho người con.
Câu 4 trang 18, SBT Ngữ Văn 6 tập 1 - Cánh diều
(Câu hỏi 4, SGK) “Bàn tay mang phép nhiệm mầu / Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.” Em có đồng ý với tác giả không? Vì sao?
Lời giải:
Em đồng ý với tác giả về câu thơ “Bàn tay mang phép nhiệm mầu / Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi” vì người mẹ đã chịu đựng những nỗi vất vả, trải qua nhiều mưa nắng, nguyện hi sinh cả cuộc đời mà không màng đến bản thân. Bàn tay ấy đã chống đỡ, gặp phải biết bao gian khó để mang đến cho người con một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể.
Câu 5 trang 18, SBT Ngữ Văn 6 tập 1 - Cánh diều
(Câu hỏi 5, SGK) Hình ảnh “bàn tay mẹ" trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?
Lời giải:
Hình ảnh bàn tay mẹ trong bài thơ là biểu tượng cho sức mạnh kì diệu, mầu nhiệm của tình yêu thương, đức hi sinh lặng thầm của người mẹ.
Câu 6 trang 18, SBT Ngữ Văn 6 tập 1 - Cánh diều
Hãy thiết kế một tấm bưu thiếp và ghi những lời em muốn dành tặng mẹ sau khi học xong bài thơ À ơi tay mẹ.
Lời giải:
- Em có thể thiết kế bưu thiếp bằng cách vẽ, cắt dán,... theo ý tưởng riêng, ví dụ: hình trái tim, hình ảnh mẹ, hình ảnh đôi bàn tay,...
- Bài thơ giúp em hiểu thêm về sự vất vả, tình yêu thương và đức hi sinh lớn lao của mẹ dành cho những đứa con. Vậy em muốn nói gì với mẹ? Hãy ghi nắn nót điều em muốn nói vào tấm bưu thiếp, Ví dụ: Con cảm ơn mẹ yêu!; Mẹ ơi, con yêu mẹ ! Mẹ ơi, con yêu đôi bàn tay mẹ !
- Hãy chuyển bưu thiếp và những lời yêu thương đó đến mẹ của mình nhé!
Câu 7 trang 18, SBT Ngữ Văn 6 tập 1 - Cánh diều
Đọc bài thơ Tóc của mẹ tôi (Phan Thị Thanh Nhàn), chỉ ra những điểm giống nhau giữa bài thơ này và bài thơ À ơi tay mẹ (Bình Nguyên).
TÓC CỦA MẸ TÔI
Mẹ tôi hong tóc buổi chiều
Quay quay bụi nước bay theo gió đồng
Tóc dài mẹ xoã sau lưng
Bao nhiêu sợi bạc chen cùng sợi đen.
Tóc sâu của mẹ, tôi tìm
Ngón tay lần giữa ẩm mềm yêu thương
Bao nhiêu sợi bạc màu sương
Bấy nhiêu lần mẹ lo buồn vì tôi.
Con ngoan rồi đấy mẹ ơi
Ước gì tóc mẹ bạc rồi lại xanh.
(Phan Thị Thanh Nhàn, Con muốn mặc áo đỏ đi chơi, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2016)
Lời giải:
Bài thơ Tóc của mẹ tôi (Phan Thị Thanh Nhân) và À ơi tay mẹ (Bình Nguyên) có những điểm giống nhau, chẳng hạn:
- Đều viết theo thể thơ lục bát.
- Cùng viết về đề tài người mẹ.
- Cùng thể hiện nỗi lòng thương yêu và tình cảm sâu nặng của người con đối với mẹ.
Sachbaitap.com
Bài viết liên quan
Các bài khác cùng chuyên mục